Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị Sở Tài chính tiếp tục hoàn thiện các tờ trình, dự thảo Nghị quyết để trình trong kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm. Sở Tài chính cần rà soát các báo cáo để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Bà Trịnh Thúy Nga cũng đề nghị, các đơn vị được giao dự toán ngân sách cần khẩn trương bổ sung dự toán bổ sung. Ban Kinh tế - Ngân sách cần giám sát việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của năm 2022 và sẽ có tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tiễn. Sở Tài chính lập bảng so sánh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của các năm trước đó với những năm tới để giải trình khi các địa biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
Theo bà Trần Thị Hải Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương, tổng thu ngân sách toàn tỉnh năm 2021 ước đạt trên 19.290 tỷ đồng, tăng 48% so với dự toán giao; trong đó thu nội địa ước đạt trên 16.700 tỷ đồng, tăng 52% so với dự toán giao, tăng 14% so với năm 2020. Trong 16 khoản thu có 14 khoản hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đầu năm.
Trên cơ sở dự kiến nguồn thu, theo lãnh đạo Sở Tài chính, tổng chi ngân sách địa phương năm 2021 ước đạt trên 22.130 tỷ đồng, đạt 172,4% dự toán năm, chủ yếu tăng chi do kinh phí chuyển nguồn từ năm 2020, tăng thu tiền sử dụng đất, thu thường xuyên năm 2021 và kinh phí Trung ương bổ sung. Trong chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển ước đạt trên 6.800 tỷ đồng, bằng 235,8% dự toán năm; chi thường xuyên ước đạt trên 10.200 tỷ đồng, bằng 124% dự toán năm…
Năm 2022, Trung ương giao cho Hải Dương thu ngân sách là 14.813 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa là 12.313 tỷ đồng. Trên cơ sở dự toán Trung ương giao, sau khi điều tiết về ngân sách Trung ương, số tiền mà tỉnh được hưởng để cân đối chi là trên 11.283 tỷ đồng. Để giảm bớt khó khăn cho ngân sách tỉnh, Hải Dương đã đề nghị và Trung ương hỗ trợ bổ sung mục tiêu cho ngân sách địa phương là trên 4.000 tỷ đồng gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và kinh phí sự nghiệp để thực hiện các chế độ, chính sách.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong năm 2022, về thu ngân sách, Hải Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật quản lý thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời khoản thuế, phí, lệ phí, quản lý hiệu quả các khoản thu mới phát sinh; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện quyết liệt biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ thuế... Hải Dương xử lý nghiêm hành vi chây ỳ, nợ thuế, buôn lậu, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế. Tỉnh tiếp tục rà soát, tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án thu tiền sử dụng đất nhằm huy động vốn cho phát triển xã hội.
Đối với chi ngân sách, trong năm 2022, Hải Dương tăng cường quản lý, điều hành tài chính, ngân sách gắn với ưu tiên phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bám sát và thực hiện mục tiêu mà đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Tỉnh sẽ phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời gian, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí, giảm triệt để kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Hải Dương thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công theo hướng tập trung vốn vào các lĩnh vực then chốt, công trình trọng điểm, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng với công trình giao thông trọng điểm, tăng cường kết nối vùng…
Đối với định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, Hải Dương dự kiến phân bổ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp khối tỉnh; phân bổ ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và phân bổ đối với ngân sách xã, phường, thị trấn. Việc phân bổ ngân sách được tỉnh Hải Dương thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, góp phần sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước.