Quả vải lên đường xuất ngoại

Chiều nay (23/6), hai tấn vải đầu tiên sẽ được chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội trước khi lên đường xuất khẩu sang Australia. Chiếu xạ quả vải tại Hà Nội sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí trên 20 triệu đồng/container thay vì phải đưa vào Nam chiếu xạ như những năm trước.

Chi phí xuất khẩu giảm mạnh

Vải thiều đang bước vào vụ thu hoạch rộ tại Bắc Giang, Hải Dương, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp thu gom quả vải để xuất khẩu đi Australia, Mỹ… Năm nay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội chính thức đi vào hoạt động, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xuất khẩu quả vải.

Ông Nguyễn Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cho biết: “Trong ngày hôm nay (23/6), sẽ có 2 tấn quả vải đầu tiên được chiếu xạ để xuất khẩu đi Australia. Cuối tuần này, sẽ có thêm 10 tấn vải nữa của Công ty Rồng đỏ (TP Hồ Chí Minh) được chiếu xạ xuất khẩu đi Australia. Ngoài ra, còn 5 - 6 doanh nghiệp khác đã đăng ký chiếu xạ vải để xuất khẩu. Năm nay, số lượng vải thiều được chiếu xạ để xuất khẩu đi nước ngoài có thể tăng 3 - 4 lần năm ngoái, tương đương khoảng 100 tấn vải”.

Phân loại vải trước khi xuất bán tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Năm đầu tiên đi vào hoạt động nên Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội chỉ thu dịch vụ là 6.000 đồng/kg, bằng một nửa so với giá dịch vụ chiếu xạ trong miền Nam, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 triệu đồng/container. Bên cạnh đó, năm ngoái các doanh nghiệp phải vận chuyển quả vải vào miền Nam với chi phí khoảng 16 triệu đồng/container. Với việc chiếu xạ tại Hà Nội, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng/container, giúp vải Việt Nam có giá cạnh tranh hơn.

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Ánh Dương Sao (TP Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu thành công một lô vải thiều đầu mùa với số lượng hơn 1 tấn sang thị trường Mỹ. Toàn bộ số vải thiều xuất khẩu được mua ở các vùng gắn mã số sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ngày 30/5, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP Hồ Chí Minh) đã đưa lô vải đầu tiên đi chiếu xạ để xuất khẩu sang Australia.

Sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay đạt 130.000 tấn, trong đó 40% phục vụ xuất khẩu. Riêng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) hiện có hơn 16.290 ha vải thiều, trong đó vải thiều chín sớm hơn 1.750 ha, vải thiều chính vụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap hơn 10.720 ha, tăng gần 1.200 ha so với năm 2015. Hiện nay, các vườn vải của nông dân trên địa bàn huyện đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt 70.000 - 75.000 tấn, giảm hơn 40.000 tấn so với năm 2015.

Ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Công ty Ánh Sao cho biết, trái vải của Lục Ngạn được người tiêu dùng Mỹ rất ưu chuộng vì có vị ngọt, hạt nhỏ và màu sắc đẹp. Năm nay, nhu cầu vải thiều tươi ở Mỹ cao hơn, sau lô vải đầu tiên được xuất đi công ty sẽ thu mua thêm 20 tấn vải nữa để xuất khẩu.

Vải thiều năm nay có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn so với năm trước. Thời gian thu hoạch vải thiều sẽ kéo dài từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7/2016. Tại huyện Lục Ngạn, vải thiều loại 1 được tư thương mua với giá 28.000 - 35.000 đồng/kg, vải thiều năm nay tiêu thụ thuận lợi và giá bán cao hơn năm trước.

Tạo điều kiện để xuất khẩu vải

Trong thời gian qua, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN hoàn thiện trang thiết bị, dây chuyền vận hành của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Các trang thiết bị cần thiết như nhà xưởng, kho lạnh phục vụ chiếu xạ trái vải đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cũng vừa nhận được thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia chính thức công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường này.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Ngoài đẩy mạnh xuất vải thiều sang các thị trường khó tính mới mở, Cục đã làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật Trung Quốc để tạo điều kiện tốt nhất khi kiểm dịch, đảm bảo thông thoáng cho xuất khẩu quả vải. Cục cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan kiểm dịch thực vật tại các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại cửa khẩu và cơ quan kiểm dịch Trung Quốc để vừa kiểm dịch vừa giải phóng hàng nhanh nhất phục vụ xuất khẩu”.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị các cơ quan chuyên ngành tại các địa phương đã được cấp mã số vùng trồng phải hướng dẫn người dân và kiểm tra đầy đủ các yêu cầu về mặt kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, Cục đang xúc tiến tiếp tục mở thêm các thị trường xuất khẩu khác cho trái vải, tiếp sau Mỹ và Australia là Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Nếu cần thiết, Cục sẽ cử các cán bộ đến bổ sung cho các cửa khẩu, đảm bảo không để lô vải nào bị ách tắc do kiểm dịch hay các khâu chuyên môn và kỹ thuật gây ra cho quả vải xuất khẩu”, ông Trung cho biết thêm.

Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày đối với vải tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai) đến hết ngày 31/7/2016.

Theo ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): “Đến giờ phút này, doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý Nhà nước đã sẵn sàng cho lô vải thiều đầu tiên được xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quả vải đi Mỹ, Australia đã đến Bắc Giang ký kết hợp đồng thu mua với các hộ dân đã được cấp mã số vùng trồng”.
H.V
Việt Nam xuất 17 tấn quả vải đầu tiên sang Australia
Việt Nam xuất 17 tấn quả vải đầu tiên sang Australia

Việt Nam xuất khẩu gần 17 tấn vải quả sang Australia trong các lô hàng thử nghiệm đầu tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN