Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Dương Đình Ổn chủ trì cuộc đối thoại, cùng dự có đại diện lãnh đạo quận, các phòng, ban, ngành liên quan.
Mặc dù đã có văn bản của quận Hải An mời 13 hộ nuôi ngao tới dự đối thoại nhằm thông tin đến các hộ dân về chủ trương của thành phố, quận, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân trước khi áp dụng cưỡng chế khắc phục hậu quả, song tất cả các hộ đều không có mặt. Tập thể 13 hộ nuôi ngao đã gửi đơn đề nghị, nêu lý do vắng mặt và cho rằng nội dung buổi đối thoại không đảm bảo khách quan, thời gian diễn ra đối thoại không phù hợp để làm sáng tỏ ý kiến của các hộ...
Tại cuộc họp, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An chỉ đạo các phòng, ban tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình ở các hộ dân nuôi ngao, đặc biệt là 13 hộ, đề nghị Đồn Biên phòng Tràng Cát nắm và quản lý khu vực tại các chòi canh, quận đã thiết lập bốn tổ công tác bảo vệ, gìn giữ các phao đã thả khoanh vùng. Đồng thời quản lý chặt chẽ an ninh trên biển, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác nhưng không ảnh hưởng đến các chòi, phao đã dựng.
Cùng đó, theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình tự, tham mưu cho quận Hải An và xử lý dứt điểm tình trạng của 13 hộ nuôi ngao không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định trên địa bàn quận nhằm lập lại trật tự an ninh trên biển, trả lại ngư trường truyền thống cho ngư dân các phường Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải 2.
Trước đó, ngày 25/8, tại hai địa điểm phường Tràng Cát và Đông Hải 2, Ủy ban nhân dân quận Hải An tổ chức hội nghị thông tin về việc xử lý các hộ dân nuôi trồng thủy sản tự phát trên khu vực biển.
Theo đó, tại khu vực biển thuộc quận Hải An, thành phố đang đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện theo các giai đoạn; đang lập quy hoạch chi tiết Cảng Nam Đồ Sơn để triển khai đầu tư; Quy hoạch thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản; dự án Tuyến đê biển Tràng Cát...
Việc các hộ nuôi ngao tự phát tại khu vực đã được phê duyệt quy hoạch và cấp phép khai thác khoáng sản (cát) cho các doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội của thành phố. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi ngao không được cấp có thẩm quyền cấp phép trên vùng biển thuộc các địa phương như quận Hải An, huyện Kiến Thụy, huyện Tiên Lãng thường xuyên xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng hình ảnh bộ mặt cũng như nỗ lực thu hút đầu tư của thành phố, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản và gây khó khăn cho việc thi công dự án, công trình mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện sự chỉ đạo của thành phố Hải Phòng, quận Hải An triển khai công tác tuyên truyền rất bài bản, hiệu quả; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với tuyên truyền, vận động, quận ban hành các quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tất cả các quyết định đều được gửi, thông báo đến người vi phạm theo đúng trình tự. Quận đã hoàn thành việc xử lý vi phạm và vận động 17 trường hợp cố tình nuôi ngao tại khu vực biển mà Ủy ban nhân dân thành phố cho Công ty Cổ phần khu công nghiệp Hải Phòng thuê và Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2012 tự nguyện tháo dỡ công trình và thu hoạch ngao, hoàn trả lại mặt bằng cho Khu Công nghiệp Deep C 2A vào ngày 14/4/2022; hoàn thành việc thả phao tiêu, dựng chòi canh xác định ranh giới, mốc giới giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản (cát) đã được thành phố cấp phép gồm: Công ty Cổ phần Thương mại, xây dựng Tân Vũ; Công ty Cổ phần Khai thác cát phục vụ Khu Kinh tế; Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kinh doanh, khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ; Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Vận tải Thành Trang và Dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ vào cuối tháng 6/2022...
Sau khi nghe báo cáo về quá trình xử lý vi phạm đối với các trường hợp nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, ý kiến của các đại biểu tham dự đều đồng tình với chủ trương của thành phố Hải Phòng và quận.
Chia sẻ cảm nhận của mình khi thành phố, quận thực hiện việc xử lý các trường hợp nuôi ngao tự phát, ông Trịnh Xuân Vui, người dân phường Đông Hải 2 cho biết: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố, của quận và phường, tôi thấy việc các hộ dân tự ý nuôi ngao trên khu vực biển quận Hải An không được cấp phép là sai. Điều này gây nên nhiều hệ lụy về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, an ninh trật tự, môi trường. Ngoài việc gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng việc khai thác thủy sản thuộc ngư trường truyền thống của người dân địa phương, những người nuôi ngao tự phát còn giữ không cho người dân địa phương vào khai thác tại các bãi thả nuôi ngao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân... Qua việc tuyên truyền, vận động của thành phố cũng như của quận, phường đã nhiều lần gặp gỡ các chủ nuôi ngao, tôi nghĩ đây là cách làm rất nhân văn, tạo sự đồng thuận của nhiều hộ dân. Điển hình là đã có 15 hộ dân tự nguyện xin tháo dỡ chòi canh trả lại mặt bằng cho thành phố. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo quận, phường cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động để các hộ dân còn lại nhận thức được hành vi vi phạm, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tự giác di dời, tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản, vật nuôi (ngao) trên diện tích mặt nước vi phạm".
Tại Hội nghị, lãnh đạo quận Hải An khẳng định sẽ cùng với các cấp, ngành của quận, phường tiếp tục tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu rõ sự việc, nhận thức được hành vi vi phạm, chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tự giác di dời, tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản, vật nuôi (ngao) trên diện tích mặt nước vi phạm trước ngày cưỡng chế. Nếu các hộ dân không tự giác chấp hành, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế với tinh thần kiên quyết, triệt để, bảo đảm an toàn, đúng quy định của pháp luật.