Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc than thở: Quản lý chuyên ngành là vấn đề bức xúc từ rất lâu, bản thân doanh nghiệp và hải quan cũng mất khá nhiều thời gian về vấn đề này. “Hiện, danh mục hàng hóa nhập khẩu về được quản lý theo mã số HS theo quy định của Bộ Tài chính. Nhưng có một số sản phẩm nhiều bộ cùng quản lý dẫn đến tình trạng áp mã số không rõ ràng. Điều này khiến doanh nghiệp và cơ quan hải quan gặp rất nhiều khó khăn khi phân định”, ông Lộc nói.
Tổ tư vấn trực tuyến, Cục Hải quan Bình Dương trả lời vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua điện thoại và hệ thống website. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Đại diện Cục Hải quan Hải Phòng đưa ra ví dụ: Đối với mặt hàng sữa thành phẩm, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại Bộ Y tế với các tiêu chuẩn rất khắt khe. Thế nhưng, đối với sữa nguyên liệu, sản phẩm thuộc danh mục động vật, sản phẩm động vật nên lại phải nằm trong diện kiểm dịch của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Tại sao không đưa sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu về cùng một bộ để quản lý hợp lý hơn, như thế mới thống nhất được các mã số trong danh mục hàng hóa”, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, việc xuất trình mẫu kiểm tra chuyên ngành cũng đang khá chồng chéo. Theo đó, cơ quan hải quan lấy mẫu kiểm tra ngay tại lô hàng cập cảng, trong khi đó doanh nghiệp lại đưa mẫu sản phẩm do doanh nghiệp lấy. Dẫn đến việc, cùng một lô hàng nhưng mẫu kiểm tra khác nhau. Ông Lộc kiến nghị: Cần có sửa đổi để việc lấy mẫu kiểm tra hàng hóa được hiện ngay tại cơ quan hải quan cửa khẩu, để chống gian lận thương mại.
Còn ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục Trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh kể: Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang vướng về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quà biếu, tặng nhập khẩu do đa dạng về chủng loại. Trong khi phải tiếp nhận nhiều tờ khai hàng hóa mà những mặt hàng này không có cơ sở quy chuẩn để làm căn cứ kiểm tra, chủ yếu là kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài... khiến cho cán bộ hải quan lẫn người dân khó có tiếng nói chung.
Đại diện nhiều cơ quan hải quan cũng cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành hiện nay còn nhiều bất cập. Văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành quy định Danh mục mặt hàng phải kiểm tra nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; chưa ban hành đầy đủ danh mục hàng hóa kèm theo mã số HS; phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan còn quá rộng. Những điều này đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.