Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của Hải quan Việt Nam trong việc đóng góp vào sự phát triển của Hải quan ASEAN?
Trong những năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong thúc đẩy hội nhập hải quan khu vực. Đầu tiên, có thể kế đến Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên, một trong những sáng kiến quan trọng trong nội khối ASEAN, nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Sự tham gia của Việt Nam vào Thỏa thuận này là rất quan trọng.
Ngoài ra, trong Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, Việt Nam cùng 5 nước thành viên tham gia sáng kiến về Giấy phép phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, cho phép 1 xe chở hàng sử dụng 1 giấy phép để đi qua nhiều quốc gia trong thời gian quá cảnh. Bên cạnh đó là Việt Nam tham gia sáng kiến về Nhà vận chuyển được cấp phép cùng các nước thành viên khác.
Việt Nam cũng tích cực đi đầu trong chống thương mại bất hợp pháp. Cùng với đó, Việt Nam cũng nghiên cứu, áp dụng những thông lệ tốt nhất của hải quan ASEAN, trong những lĩnh vực như: Đơn giản hóa thủ tục hải quan, thương mại điện tử... Tôi mong muốn các cơ quan hải quan khác cũng thực hiện những nỗ lực tương tự như Hải quan Việt Nam, từ đó mang lại giá trị cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, đặc biệt doanh nghiệp vận tải và logistic.
Hải quan Việt Nam cần làm gì để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2024 – 2025, thưa ông?
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN trong một giai đoạn rất quan trọng. Khu vực ASEAN đang thay đổi rất nhanh trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển dịch sang tính bền vững… Do vậy, tạo thuận lợi cho thương mại phi giấy tờ cũng là một hình thức hiệu quả giúp giảm phát thải cacbon trong chuỗi cung ứng.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam, tôi mong muốn hải quan ASEAN có thể triển khai thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên. Một lĩnh vực lớn khác là cải thiện trao đổi thông tin thương mại điện tử giữa hải quan doanh nghiệp, hy vọng sẽ đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cũng cần làm việc với Hải quan các nước ASEAN để hoàn thành các Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2026-2030, cũng như tầm nhìn trong những năm tiếp theo.
Năm 2023, ASEAN thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất trên thế giới, đạt 230 tỷ USD, vượt qua cả Trung Quốc về thu hút đầu tư. Để tiếp tục làm điều này, chúng ta cần tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại, trong đó hải quan đóng vai trò quan trọng.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch này, Việt Nam cũng đăng cai giữ vai trò lãnh đạo trong chiến dịch hải quan chung giữa các nước thành viên ASEAN. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ thể hiện được vai trò lãnh đạo để thực hiện thành công, vượt qua những thách thức trước mắt.
Những hiệu quả trong hợp tác của cơ quan hải quan các nước ASEAN có tác động như thế nào đến hoạt động thương mại của cả khu vực này, thưa ông?
Hải quan ASEAN có trách nhiệm quan trọng trong nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của khu vực, thông qua khả năng đảm bảo lưu thông thương mại hàng hóa qua biên giới. Khu vực ASEAN phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, với giá trị thương mại đạt 3.800 tỷ USD, là một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Dự đoán tăng trưởng thương mại khu vực đạt 5% GDP khu vực từ giờ cho đến 2030. Tiềm năng là rất lớn, không chỉ thương mại khu vực mà còn là với toàn thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng là lưu thông hàng hóa tự do trong khu vực và với các đối tác thương mại.
Rõ ràng, vai trò tạo thuận lợi thương mại của Hải quan là rất quan trọng. ASEAN có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đang được đàm phán nâng cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Cùng với đó, là thế hệ hàng hóa mới, như thương mại điện tử, hàng hóa trị giá thấp, cùng với những cam kết về chuyển đổi số như trong Hiệp định khung về Kinh tế số ASEAN (DEFA) đang được đàm phán, trong đó có Chương Thương mại điện tử. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò của Hải quan trong tạo thuận lợi thương mại, thông qua việc tạo ra một cơ chế hiệu quả mà các nước có thể thống nhất, mặc dù chúng ta không thể hài hòa hóa thủ tục ngay ngày mai, nhưng có thể mang lại sự thay đổi theo cách minh bạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!