Trong một tuyên bố, hãng M&S cho biết kế hoạch cắt giảm này sẽ được tiến hành trong 3 tháng tới, trong đó cắt giảm việc làm ở bộ phận trung tâm hỗ trợ, hệ thống quản lý khu vực và các cửa hàng tại Anh. Theo Giám đốc điều hành M&S Steve Rowe, trong khi tổng doanh số đã giảm khoảng 1/5 trong vòng 19 tuần cho đến ngày 8/8 (phần lớn thời gian trong giai đoạn này nước Anh áp đặt lệnh phong tỏa), thì doanh thu từ bán hàng trên mạng của hãng tăng gần 40%. Do vậy, hãng phải cắt giảm việc làm để phù hợp với nhu cầu thay đổi của khách hàng. Ông Rowe nhận định cắt giảm việc làm sẽ giúp hãng trở nên "tinh gọn hơn, phát triển nhanh và hiệu quả hơn”. Bên cạnh đó, M&S cũng có kế hoạch thành lập một số bộ phận để đáp ứng nhu cầu mua hàng trực tuyến ngày càng tăng. M&S hiện có hơn 80.000 nhân viên và phần lớn số này làm việc tại Anh.
Trước đó, các "ông lớn" khác của Anh như chuỗi cửa hàng bách hóa Debenhams, chuỗi kinh doanh cửa hàng bách hóa trên thế giới John Lewis và tập đoàn dược phẩm Boots cũng đã cắt giảm hàng nghìn việc làm do tác động của đại dịch COVID-19.
*Cùng ngày, Quỹ Đầu tư quốc gia (SWF) của Na Uy thông báo lỗ 188 tỉ crown (khoảng 21,27 tỉ USD) trong 6 tháng đầu năm do giá cổ phiếu và cổ phần bất động sản sụt giảm trong đại dịch COVID-19.
Cụ thể lợi tức từ danh sách vốn đầu tư chung của hãng đã âm 3,4%, với mức giảm 6,8% đối với cổ phần và âm 1,6% đối với các bất động sản chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong một tuyên bố, Phó Giám đốc điều hành SWF Trond Grande cho biết mặc dù các thị trường phục hồi tốt vào quý II/2020, song chưa thực sự ổn định.
SWF của Ngân hàng trung ương Na Uy, được thành lập năm 1996 với mục tiêu trích lại doanh thu từ dầu mỏ để đầu tư cho các thế hệ tương lai. Đến nay, quỹ này đã mở rộng ở mức gần gấp 3 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Na Uy. Đây là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với nguồn vốn lên tới 1.150 tỷ USD và hiện đang đầu tư vào hơn 9.200 công ty trên toàn cầu, nắm quyền kiểm soát tương đương 1,5% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của thế giới.