Dẫn số liệu sơ bộ từ Hải quan Việt Nam, bà Vũ Thị Thúy cho biết trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hong Kong đạt 13,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hong Kong đạt 12 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hong Kong chiếm 3,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Xuất siêu của Việt Nam sang Hong Kong đạt 10,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Về hợp tác đầu tư, bà Vũ Thị Thúy cho biết tính đến ngày 20/12/2021, Hong Kong là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) với 2.041 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 27,83 tỷ USD. Trong năm 2021, đã có 126 dự án của Hong Kong được cấp mới tại Việt Nam với vốn đăng ký đạt gần 1,7 tỷ USD. Các ngành nghề chính Hong Kong đầu tư tại Việt Nam là công nghệ chế biến, chế tạo, may mặc, dịch vụ, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà hàng khách sạn...
Bà Vũ Thị Thúy cho rằng mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua nhưng trao đổi thương mại Việt Nam - Hong Kong vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và Việt Nam vẫn giữ vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với thị trường này. Như vậy, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được năng lực sản xuất và vị trí trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu nói chung, đồng thời cho thấy mối quan hệ chặt chẽ trong liên kết chuỗi giữa Việt Nam và Hong Kong nói riêng.
Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong năm 2021, kinh tế Hong Kong đã phục hồi. Đây là tiền đề quan trọng giúp Hong Kong tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại, đầu tư của khu vực và thế giới. Trong khi đó, những năm qua, Việt Nam đã nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, là nước gia công hàng hóa xuất khẩu lớn của khu vực, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI quốc tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI của Hong Kong.
Trong nhiều năm liền Việt Nam luôn nằm trong Top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong. Năm 2021, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hong Kong trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong những năm qua, thương mại song phương duy trì đà tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hong Kong chính thức có hiệu lực từ năm 2019 cũng góp phần thúc đẩy thương mại song phương.
Theo đó, một bộ phận người Việt thành công trong các lĩnh vực kinh doanh… trở thành đầu mối nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại Hong Kong. Nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép, thịt lợn đông lạnh, hải sản đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Hong Kong từ nhiều năm qua do có văn hóa tương đồng. Bên cạnh đó một bộ phận người Việt thành công trong các lĩnh vực kinh doanh, chủ các công ty thương mại dịch vụ, nhà hàng ăn uống… trở thành đầu mối nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang tiêu thụ tại thị trường Hong Kong cũng như phân phối tới nước thứ 3.
Bà Vũ Thị Thúy nhấn mạnh Việt Nam được hưởng lợi trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, ngoài những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm, đồ gia dụng, thì những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch lớn như thiết bị và linh kiện điện tử - viễn thông, hàng dệt may, giày dép… cũng chủ yếu do các doanh nghiệp FDI đặt hàng gia công sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang tiêu thụ tại Hong Kong và các nước khác.
Theo bà Vũ Thị Thúy, nhiều năm qua, Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong cũng không ngừng phát huy vai trò cầu nối với cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tích cực triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư song phương: hỗ trợ tổ chức các hội thảo trực tuyến giữa các bộ, ngành hai bên để tăng cường giao lưu, quảng bá môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam; thường xuyên làm việc với các đầu mối như Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Cục Phát triển thương mại Hong Kong (HKTDC) để phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu hàng hóa thế mạnh của Việt Nam tại các hội chợ, tạo điều kiện cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường tại Hong Kong và tái xuất đi quốc tế; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng cũng như thẩm tra tư cách pháp nhân, năng lực tài chính của đối tác thương mại tại Hong Kong, bên cạnh đó hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và thâm nhập thị trường.
Bà Vũ Thị Thúy cũng cho rằng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có tác động tích cực đến quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Hong Kong. RCEP (gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) được đánh là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới chiếm khoảng 30% dân số thế giới cũng như 30% GDP toàn cầu. Từ tháng 6/2021, Hong Kong cũng đã nộp đơn xin gia nhập RCEP. Theo đó, RCEP cũng sẽ thúc đẩy đầu tư từ Hong Kong vào Việt Nam nhằm khai thác lợi thế về thuế, phi thuế, lợi thế về cơ sở hạ tầng sản xuất của Việt Nam.
Theo bà Vũ Thị Thúy, trong thời gian tới, Tổng Lãnh sự quán - Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong cũng có nhiều kế hoạch để tiếp tục quảng bá các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là những mặt đang rất được ưa chuộng tại thị trường cũng như để thông qua thị trường Hong Kong đến với khu vực và thế giới. Ngoài ra, những hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng sẽ được chú trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư Hong Kong tiếp tục đến với thị trường Việt Nam.