Do đó, theo các chuyên gia thương mại, quan hệ thương mại Việt Nam - EU sẽ chịu nhiều tác động từ Brexit, tức là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Thị trường xuất khẩu quan trọng
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, thương mại, đầu tư, du lịch và tài chính là các kênh tác động của Brexit đến kinh tế Việt Nam, trong đó, thương mại sẽ là kênh chịu tác động chính, lớn hơn các kênh khác.
Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Bạc Liêu tăng so với cùng kỳ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Trong 5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng bình quân 22,5%/năm. Với 4,65 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đó là lý do nhiều chuyên gia quốc tế đã cho rằng, Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong Đông Á từ Brexit.
“Xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động có thể lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn. Nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, nội thất và nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh sẽ chịu tác động lớn”, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Theo Bộ Công Thương, phần lớn lượng hàng xuất khẩu đều là các mặt hàng chủ lực như thủy sản; nông sản; dệt may; da giày; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại... Đặc biệt, Anh lại là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, đồng thời là một trong số ít thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm của Việt Nam có mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường khu vực lớn như: EU, ASEAN… sụt giảm kim ngạch. Điều đó cho thấy, việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu tôm vào thị trường này.
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh lại có rất nhiều mặt hàng phải đi qua các nước khác như Hà Lan, Bỉ, Đức…. Đây là 3 nước chính đầu mối để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chứ không phải xuất khẩu thẳng sang Anh. Do đó, vấn đề thứ nhất xảy ra là nếu Anh rời khỏi EU thì hàng hóa Việt Nam sang Anh qua con đường hiện nay sẽ có thêm trở ngại.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ, nếu như trước đây hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới cửa khẩu Hà Lan, Đức, Bỉ sẽ cập bến thị trường Anh. Nhưng, tới đây dù vẫn đi theo con đường này nhưng tới biên giới Anh lại có thêm một hàng rào nữa tức là phải làm lại tất cả các thủ tục như thông quan, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí còn có cả hàng rào kỹ thuật. Không những vậy, khi Anh đã dựng hàng rào kỹ thuật với EU thì chắc chắn sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Mở thêm con đường xuất khẩu khác
Vì thế, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp là đàm phán của EU với Anh dự báo diễn ra trong vòng 2 năm nên trong khoảng thời gian này chưa rõ hàng rào sẽ như thế nào, tạm thời sẽ xử lý ra sao. Chính từ nguyên nhân này, doanh nghiệp phải thiết kế con đường xuất khẩu khác chứ nếu xuất khẩu theo con đường cũ, vô hình chung sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian vì phải qua một biên giới nữa.
Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường này, hoặc quá phụ thuộc vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa không nên quá tập trung vào một vào thị trường mà nên đa dạng, mở rộng thị trường từ đó hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại không cần thiết.
Cũng theo ông Đặng Hoàng Hải, điểm khác cần lưu ý với Brexit là đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang rà soát các thủ tục pháp lý chứ chưa đến hồi ký kết. Do đó, nếu như Anh rời khỏi Ủy ban thương mại châu Âu (EC) thì rõ ràng việc phê duyệt Hiệp định này sẽ gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, đối với Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam, kịch bản nhiều khả năng nhất là thỏa thuận sẽ được ký giữa Việt Nam và EU, nhưng sẽ không có Anh. Như vậy, lợi ích tiếp cận thị trường Anh (chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU) mà Hiệp định được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam sẽ không còn. Tuy nhiên, EU và Việt Nam vẫn có thể cho phép Anh là nền kinh tế bên ngoài được tham gia Hiệp định (tức là Hiệp định sẽ là giữa ba bên) để hạn chế tác động tới thương mại giữa hai bên.