Giá vé máy bay giảm mạnh dịp sau tết
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 3 từ ngày 27/1 đến nay, vào đúng cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đã khiến không chỉ ngành du lịch lao đao, mà các lĩnh vực vận tải, trong đó có hàng không hoạt động "ngắc ngoải", buộc các hãng hàng không nội địa phải thực hiện nhiều biện pháp cấp bách để kích cầu.
Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, vé máy bay giá rẻ tiếp tục được các hãng tung ra thị trường trên toàn mạng bay nội địa. Vietnam Airlines, Pacific Airlines tung ra 1 triệu vé giá 88.000 đồng/chiều (chưa bao gồm thuế, phí) cho các đường bay trong nước, thời gian mở bán đến ngày 28/2, áp dụng cho hành trình bay đến hết năm 2021 và cho phép hành khách được đổi vé không giới hạn số lần đổi trước ngày bay với phí đổi là 500.000 đồng/vé, cùng 1 kiện hành lý ký gửi 23 kg và các điều kiện đi kèm khác.
Trong khi đó, giá vé máy bay Vietjet, Bamboo Airways cũng hạ nhiệt ở nhiều chặng bay sau Tết. Chặng Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh của Vietjet mở bán với giá rẻ nhất là 82.000 đồng/chiều. Theo khảo sát của phóng viên, vé giá rẻ chặng bay vàng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4/2021 của Vietjet Air có giá từ 599.000 đồng/chiều, trong khi Bamboo Airways còn rất nhiều vé 149.000-649.000 đồng/chiều… Vietjet cũng cho biết đang tiếp tục mở bán hàng loạt vé máy bay giá 0 đồng cùng quà tặng kèm miễn phí là gói 15 kg hành lý ký gửi và 7 kg hành lý xách tay trên tất cả đường bay nội địa hãng đang khai thác...
Đại diện các hàng hàng không nội địa đều cho biết, chưa bao giờ việc mở bán vé máy bay giá rẻ cho toàn mạng bay nội địa để kích cầu đi lại rầm rộ, kéo dài như hiện nay. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường chưa có hồi kết của dịch COVID-19 trong, ngoài nước và trong bối cảnh hàng không chưa thể bay thương mại quốc tế, thị trường nội địa suy giảm, đây là biện pháp cần thiết duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Hàng không.
Bên cạnh đó, các đường bay nội địa hiện nay vẫn là nguồn thu chính để các hãng khai thác, dù chấp nhận thu không đủ bù chi và hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trước cao điểm hè 2021 để hồi phục.
Kịch bản ứng phó
Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, năm 2020, thế giới đã chứng kiến sự phá sản của 43 hãng hàng không và thị trường hàng không đã bốc hơi tới 118 tỷ USD, mức lỗ này vượt xa so với dự đoán trước đó là 65 tỷ USD do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Riêng Việt Nam vẫn được ghi nhận là 1 trong 10 thị trường hàng không trên thế giới phát triển trên 10% về hành khách và hàng hóa.
Dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 đã khiến thị trường hàng không Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hoạt động bay chỉ trong quốc nội và một vài đường bay quốc tế gồm chở hàng hóa và vận chuyển công dân về nước. Mặc dù 2 đợt dịch trong năm 2020 đã được Chính phủ kiểm soát tốt, nhưng các hãng hàng không vẫn bị thua lỗ nghiêm trọng. Đơn cử, Vietnam Airlines công bố mức lỗ 12.000 tỷ đồng trong năm 2020 và phải cần đến gói cứu của Chính phủ để hoạt động, trong khi các hãng hàng không nội địa khác cũng chỉ duy trì hoạt động vì lỗ nặng sau những tháng dịch.
Chưa kịp phục hồi năm 2020, ngành Hàng không lại tiếp tục đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần 3 từ cuối tháng 1 kéo dài đến nay, khiến các phương án kinh doanh đều "đổ bể". Ông Phạm Văn Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản, trong đó kịch bản 1 là mô hình theo chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại. Kịch bản 2 là mô hình chữ U sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không thế giới sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh. Trong xu hướng này, hàng không Việt Nam từng bước phục hồi theo chữ V. Tuy nhiên, dự báo thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019.
Các chuyên gia hàng không nhận định, kịch bản này hoàn toàn có cơ sở khi dịch COVID-19 vẫn diễn biễn phức tạp và có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways hiện chưa thể thống kê được thiệt hại, nhưng số lượng vé bị hành khách huỷ không nhỏ và dịch bệnh đã tác động lớn tới tâm lý người dân.
Trao đổi vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, gần như tất cả các lĩnh vực vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó, hàng không bị ảnh hưởng lớn nhất và đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản đã dự báo. Ngay từ đợt bùng phát dịch năm ngoái, triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không như: Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung; quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế theo quy định.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2020, giảm mức thu, nộp phí nhượng quyền khi thác cảng hàng không, sân bay; mức thu, nộp phí hải quan và lệ phí ra, vào cảng hàng không sân bay... “Bộ GTVT ủng hộ về chủ trương cần có chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không. Đối với các kiến nghị của hãng hàng không mà thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ xem xét và giải quyết. Còn các kiến nghị khác, Bộ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành liên quan xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền”, ông Trần Bào Ngọc cho biết.