Phó chủ tịch phụ trách khu vực Trung Đông và châu Phi của IATA, ông Muhammad Ali Albakri, cho biết việc nhiều hãng hàng không trên thế giới đang yêu cầu nhân viên nghỉ không lương cho thấy ngành vận tải này đang phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tính đến nay, doanh thu các hãng hàng không Trung Đông đã sụt giảm khoảng 100 triệu USD, trong khi doanh số bán vé máy bay có thể tiếp tục đi xuống trong những tuần tới nếu lệnh hạn chế đi lại ở các nước châu Á kéo dài.
Do đó, IATA đề nghị chính phủ các nước ở khu vực Trung Đông hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không để giúp các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối với khu vực châu Phi, ông Albakri cho biết dịch COVID-19 không tác động nhiều tới nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ở châu lục này.
Trước đó, cố vấn Tổ chức Du lịch Thế giới Saeed el-Batouti đánh giá sự bùng phát của dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch và hàng không toàn cầu, đồng thời tạo ra trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
Theo chuyên gia này, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã giảm đáng kể và có thể khiến doanh thu của các hãng hàng không giảm tổng cộng 29 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ đặt phòng khách sạn cũng đã giảm 11% kể từ khi dịch bệnh bùng phát và khiến ngành du lịch thế giới thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) mới đây cũng nhận định dịch COVID-19 có thể khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do sự sụt giảm lượng du khách và chi tiêu du lịch, đặc biệt là từ các du khách Trung Quốc.
Theo WTTC, mức thiệt hại 22 tỷ USD vẫn là kịch bản khả quan nhất, song con số này có thể tăng lên 49 tỷ USD nếu dịch COVID-19 kéo dài tương tự như dịch SARS, vốn bùng phát từ tháng 11/2002 và được kiểm soát vào tháng 7/2003. Con số thiệt hại của ngành du lịch thậm chí có thể chạm ngưỡng 73 tỷ USD nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến.