Hàng tiêu dùng Thái chiếm dần thị phần

Hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam từ cửa hàng tạp hóa, chợ đến siêu thị và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với hàng Việt.

Dễ như... mua hàng Thái

Để chuẩn bị cho sinh nhật của con gái, chị Ngô Ngọc Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) đến cửa hàng tạp hóa quen biết và tìm mua loại kẹo mà con thích. Chị Mai rất ngạc nhiên khi phát hiện loại kẹo này có mẫu mã khác trước và chữ trên bao bì lại là tiếng Thái Lan sản xuất. Khi được hỏi, chủ cửa hàng cho biết, đây vẫn là loại kẹo cũ nhưng là hàng sản xuất tại Thái Lan. Loại kẹo này có giá đắt hơn 1.000 - 2.000 đồng/gói so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước nhưng ngon hơn, được rất nhiều người mua.

Các cửa hàng kinh doanh hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều.


Khi được hỏi về các sản phẩm “made in Thailand” khác trong cửa hàng, chủ cửa hàng trên chia sẻ: Các loại bánh kẹo và hóa mỹ phẩm như sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng... của Thái Lan bán chạy hơn các sản phẩm khác nhiều, dù là cùng nhãn hiệu sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.

Thực tế cho thấy, hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng bởi giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt từ 10 - 20%, rẻ hơn nhiều so với hàng hóa xuất xứ từ châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém. Một điểm mạnh khác của hàng Thái đó là, mẫu mã đổi mới, đáp ứng được các đối tượng thu nhập từ thấp đến cao.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, người Việt Nam mặc định hàng Thái là tốt, bền. Sở dĩ hàng Thái Lan chiếm được thị phần ở Việt Nam là dựa trên 3 yếu tố chính: giá vừa phải, chất lượng tốt, tiếp thị hiệu quả. “Người Thái Lan tổ chức hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm ở Hà Nội thu hút hàng nghìn người dân tới mua sắm nhưng Việt Nam thì chưa tổ chức được hội chợ nào ở Bangkok”, ông Phú nói.

Thống kê của Bộ Công Thương tính đến đầu năm 2015, trong số các mặt hàng nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước. Đặc biệt, mặt hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, hoa quả Thái Lan cũng chiếm tới 40% thị phần nội địa Việt Nam.

Mới đây, khoảng 300 DN Thái Lan đã tham gia hội chợ hàng tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, trong đó, gần 70% trong số đó là DN nhỏ và vừa trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng (thực phẩm, trái cây và đồ uống); mỹ phẩm, spa, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; linh phụ kiện ô tô; sản phẩm điện/điện tử... Việc xâm nhập thị trường Việt Nam của các DN Thái Lan được tiến hành bài bản với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ nước này.

Tăng tính cạnh tranh của hàng Việt

Trước đây, hàng Trung Quốc giá rẻ từng có thời gian chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nhưng những cảnh báo về sự độc hại của hàng Trung Quốc, cùng với sự gia tăng thu nhập của người dân Việt Nam khiến xu hướng mua sắm có nhiều thay đổi. Người tiêu dùng ưa thích những sản phẩm có chất lượng, an toàn dù giá có cao hơn.

Các chủ cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan trên địa bàn Hà Nội cho biết, khoảng vài ba năm gần đây, hàng Thái Lan tiêu thụ mạnh hơn do người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng và tin cậy về chất lượng, nhất là hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng.

Theo bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: “Hàng Thái Lan sẽ nhanh chóng thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt trong tương lai không xa nếu các DN Việt Nam không đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối...”.

Nói về sự chủ động của các DN trong nước trước sự cạnh tranh của hàng Thái, ông Vũ Vinh Phú nhận định, để nâng cao tính cạnh tranh, các DN Việt cần khẩn trương nắm bắt tình hình, không để hàng Thái “tràn đến sân, ứ đến vai” mới lo đối phó. “Điều mấu chốt các DN cần phải làm ngay là cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, thiết thập kênh phân phối bán hàng và tiến hành quảng bá sâu rộng giành lấy lòng tin của người tiêu dùng”, ông Phú nói.

Ông Trần Sỹ Trực, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty bánh kẹo Hoàng Mai thẳng thắn nhận định, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thì hàng Thái vào Việt Nam nhiều là điều dễ hiểu. DN cần nhìn thực tế đó, không thể “bế quan tỏa cảng”, khư khư giữ thị trường cho riêng mình. Theo ông Trực, để cạnh tranh được, DN Việt cần tập trung vào ba yếu tố. “Thứ nhất, phải đầu tư, mở rộng và nắm chắc hệ thống phân phối. Cần nhìn nhận việc Thái Lan mua lại các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam như một bài học. Thứ hai, tự khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, thay đổi mẫu mã bao bì. Thứ ba, cần hướng đến các thị trường nước ngoài”, ông Trực nói.

Bên cạnh đó, việc Bộ Thương mại Thái Lan liên tục tổ chức Hội chợ hàng Thái Lan trong 12 năm qua tại Việt Nam là minh chứng rõ nét về hoạt động hỗ trợ DN của nước này nhằm tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam. Để hàng Việt có sự cạnh tranh tương xứng, rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giảm thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Hoàng Dương - Thu Hồng
Câu chuyện Metro và mối lo hàng Thái
Câu chuyện Metro và mối lo hàng Thái

Ngay sau khi đại gia Thái Lan - Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức), các chuyên gia trong nước đã bày tỏ sự lo lắng khi sắp tới, có thể hàng Thái sẽ ồ ạt tràn vào và đánh bật hàng Việt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN