Không phủ nhận những thành quả mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã đạt được trong việc “phủ sóng” hàng Việt trên thị trường nội địa thời gian qua. Tuy nhiên, để hàng Việt có sức cạnh tranh mạnh hơn nữa thì vẫn cần những sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
Nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại
Khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các sản phẩm được sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Nếu so sánh với các sản phẩm cao cấp nước ngoài, hàng Việt Nam dù rẻ hơn nhưng lại “thua” về mặt thương hiệu. Ngược lại, ở phân khúc hàng giá rẻ thì hàng nội lại phải chịu sức ép cạnh tranh về giá với hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc. Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi có chất lượng của Việt Nam có giá 400.000 - 500.000 đồng, trong khi chiếc áo sơ mi do Trung Quốc sản xuất thì giá chỉ trên dưới 100.000 đồng.
Ngành dệt may không ngừng đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm (ảnh chụp tại cụm công nghiệp Thường Tín, Hà Nội). |
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức cạnh tranh về giá của hàng nội. Trong đó, đáng lưu ý là việc nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) trong năm 2013 mới được công bố, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư cho sản xuất của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt hơn 32%, trong khi tỷ lệ này ở Indonesia là 41%, ở Thái Lan 53% và Trung Quốc 64%. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay, do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như: bông, sợi, phụ kiện… nên tỷ lệ nội địa hóa của dệt may Việt Nam mới chỉ đạt 45%. Điều này làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam với Trung Quốc. Do đó, để giảm giá thành sản phẩm cũng như tăng tính chủ động cho hoạt động sản xuất của các DN, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ về phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để bảo vệ hàng hóa trong nước. Hiện nay, hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước gặp rất nhiều rào cản kỹ thuật. Đây là biện pháp để các nước bảo vệ hàng nội địa trước hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, những quy định về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu của nước ta vẫn chưa đầy đủ và chưa được thực thi tốt. Một doanh nghiệp ngành mía đường cho biết, đường ngoại do được nhập lậu vào nước ta nên có giá rẻ hơn đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.
Kỳ vọng sự phục hồi của nền kinh tế
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm nay, nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục và là cơ hội hấp dẫn để các DN trong nước mở rộng cơ hội giao thương ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo thống kê của tổ chức Vietnam Report, sau khi thực hiện điều tra trên 3.000 DN trong nước, đã có tới 86% cho biết họ tin tưởng doanh thu sẽ tăng hơn trong năm 2014. Có 57% số DN được khảo sát dự báo sẽ tăng quy mô lao động và mở rộng quy mô kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong số đó cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn ở thị trường nội địa.
Trong bối cảnh sức mua của người dân chưa có nhiều cải thiện, vẫn có những ngành sản xuất duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, đặc biệt ở nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu là bởi họ đã có những sự thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của tự thân mỗi DN thì vai trò “mở đường” của các cơ quan nhà nước cũng rất quan trọng.
“Chưa bao giờ sự kì vọng của DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung trông mong vào sự nỗ lực của Chính phủ như giai đoạn hiện nay. Sự kỳ vọng đó tập trung vào sự đổi mới mạnh mẽ thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường và sự lành mạnh trong cạnh tranh”, TS Trần Du Lịch nhận định.
Thực tế, tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng doanh thu năm 2013 của hệ thống vẫn đạt kết quả khoảng 22.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 13% so cùng kỳ. “Luôn đồng hành cùng các DN Việt, điều chúng tôi mong muốn là DN trong nước cần chú ý đầu tư các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này sẽ làm cho sản phẩm chúng ta có sự vượt trội về chất lượng, cũng như giá cả cạnh tranh hơn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op chia sẻ.
Tính đến ngày 16/12/2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt khoảng 505 đề án thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với kinh phí Nhà nước hỗ trợ là hơn 493,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 251 đề án phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới hải đảo với tổng kinh phí được phê duyệt hơn 180 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các DN ở Việt Nam đa phần là DN vừa và nhỏ. Do đó, để ứng dụng được những công nghệ tiên tiến vào sản xuất là điều không đơn giản bởi những khó khăn về vốn. Để làm được điều này, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể như hỗ trợ về cơ chế, vốn vay để khuyến khích DN đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ThS Bùi Anh Tuấn, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện tối đa cho DN khi thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
“Thời gian tới, Chính phủ sẽ đưa Quỹ Phát triển DN vừa và nhỏ vào hoạt động, hình thành mạng lưới hệ thống thông tin hỗ trợ, khuyến khích DN nhỏ và vừa tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, các chương trình liên kết ngành, vùng…”, ThS Tuấn cho biết.
Lê Nghĩa - Hoàng Dương