Hàng xa xỉ vẫn hút khách

Không như dự đoán về sự “thoái trào” của xu hướng tiêu dùng các mặt hàng ngoại nhập đắt tiền, hiện thị trường mua sắm cao cấp dành cho giới trung lưu trở lên tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sẽ siết chặt khâu nhập khẩu hàng xa xỉ

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2011, nhập siêu cả nước đã lên đến 6,6 tỷ USD - một con số khổng lồ nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu. Ước 6 tháng, con số này có thể tăng lên đến 7,5 tỷ USD. Điều đáng quan ngại, rất nhiều mặt hàng xa xỉ dù nằm trong diện hạn chế nhập khẩu như ô tô nguyên chiếc, điện thoại di động, mỹ phẩm… vẫn được các doanh nghiệp chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước. Cụ thể, nhóm hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc có lượng nhập khẩu tăng khoảng 70%; nhóm hàng hóa cần kiểm soát như đá quý, phụ tùng xe hơi… tăng hơn 20% so với cùng kỳ…

Kinh tế khó khăn, người thu nhập thấp chịu nhiều thiệt thòi nhất.


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ đã tác động đến vấn đề nhập siêu đang gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình kinh tế. Nhằm giảm sự tác động đến cân đối kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt khống chế nhập siêu năm 2011 không quá 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên điều này khó khả thi khi những giải pháp hạn chế nhập khẩu nhóm mặt hàng này dù đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2010 với các biện pháp như hạn chế dùng ngoại tệ để nhập khẩu hàng xa xỉ, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, sử dụng các hàng rào kỹ thuật… vẫn chưa cho kết quả như mong muốn. “Vì vậy đã đến lúc các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn chứ không phải chỉ là giải pháp tình thế, nửa vời như thời gian qua”, bà Lan nói thêm.

Nhộn nhịp mua sắm hàng hiệu

Với chị T., trưởng bộ phận mua sắm của một ngân hàng có tiếng trên địa bàn quận 3, những điểm mua bán hàng thời trang cao cấp luôn là địa chỉ yêu thích. Hầu như cuối tuần nào, chị và đám bạn thân cùng hội, “nghiện shopping”, cũng dành ít nhất một buổi sáng lượn lờ khắp các trung tâm mua sắm hàng cao cấp của TP Hồ Chí Minh như: Diamond, Parkson… Và hầu như sau khi kết thúc 1 tour mua sắm như thế, ít nhất số tiền chị bỏ ra cho bộ sưu tập thời trang của mình bằng cả tháng lương của một công chức hạng trung.

Được mệnh danh “con đường tơ lụa” của thành phố, 2 bên đường Đồng Khởi san sát các đại lý, cửa hàng sang trọng chuyên kinh doanh những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như LV, CK, Gucci… Tại tầng trệt của khách sạn 5 sao Sheraton, một đôi giày Ý đặt trên kệ có giá thấp nhất cũng trên 20 triệu đồng, một chiếc đồng hồ hiệu Movado của Thụy Sĩ được thiết kế tối đơn giản cũng có giá gần 40 triệu đồng… mà vẫn có người chọn mua. Chị Thục Quyên, nhân viên bán hàng tại đây cho hay: “Công việc của tụi em không thay đổi gì nhiều so với thời gian trước, thậm chí là còn vất vả hơn vì đông khách. Đối tượng chủ yếu vẫn là khách du lịch, giới nghệ sỹ, thương gia…”.

Theo các chuyên gia, kinh tế khó khăn chỉ tác động trực tiếp đến người lao động hoặc giới công chức có thu nhập trung bình. Thực tế, các mặt hàng tăng giá nhiều trong thời gian qua vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm hàng nhu yếu phẩm sử dụng cho cuộc sống hàng ngày như rau, thịt gia súc, dầu ăn… “Riêng đối tượng của nhóm hàng hóa cao cấp có tác động nhưng ít. Bản thân những khách thượng lưu chưa dễ thay đổi thói quen vung tiền chi tiêu cho thú sử dụng đồ hiệu. Một điều khác nữa là tuy có biến động về tỷ giá nhưng hàng nhập khẩu ở phân khúc thị trường này thời gian qua có giá cả không chênh lệch nhiều mà còn phong phú về chủng loại nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng”, chị Nguyễn Thu Phương – TGĐ Công ty XNK Nam Dương giải thích.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN