APEC 2017:

Hành trình hướng tới khối thịnh vượng chung

Được thành lập vào tháng 11/1989 với 12 thành viên sáng lập, đến nay, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế có quy mô lớn nhất trong khu vực, với 21 nền kinh tế thành viên.

Mục tiêu xuyên suốt được các thành viên APEC nỗ lực thực hiện trong suốt những năm qua là mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế khu vực, theo tinh thần của Mục tiêu Bogor là thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các thành viên đang phát triển. 

APEC cũng là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục hàng hóa môi trường, vấn đề mà Tổ chức Thương mại Thế giới thúc đẩy trong nhiều năm qua. Các thành viên APEC đã và đang thúc đẩy liên kết kinh tế thông qua kết nối về cơ sở hạ tầng, xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy và minh bạch hóa, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. 

Khai mạc Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tham gia APEC từ năm 1998 và từng là nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2006, Việt Nam đã xây dựng chủ đề, ưu tiên và phương thức hoạt động của Năm APEC 2017 theo hướng tiếp nhận thành tựu từ nền kinh tế chủ nhà năm trước, cải tiến, phát triển và đóng góp sáng kiến nhằm thúc đẩy mục tiêu chung của Diễn đàn, hướng tới một khối thịnh vượng chung trong toàn APEC. 

Theo đó, chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Cùng với đó là 4 ưu tiên hợp tác gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong số các ưu tiên này, chủ nhà Việt Nam đã lựa chọn tiếp tục kế thừa những ưu tiên hợp tác về các chính sách lương thực từ chủ nhà Năm APEC 2016 Peru. 

Tại Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) APEC năm 2017 diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) từ 18/2 - 3/3, các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với những đề xuất và ưu tiên của chủ nhà Việt Nam và cho rằng, tính kế thừa là cần thiết để đi đến những kết quả và đem lại lợi ích cho các nền kinh tế thành viên. 

Ông Lahui Ako, Tổng Giám đốc Ban Thư ký APEC của Papua New Guinea cho biết: Nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là các nền kinh tế đang phát triển. Tại Hội nghị lần này, chương trình nghị sự của phía chủ nhà Việt Nam có nhiều vấn đề rất quan trọng đối với các nền kinh tế này, đặc biệt là đối với Papua New Guinea như: Phát triển nông thôn, kinh tế, phát triển nguồn nhân lực… 

Ông Lahui Ako chia sẻ: “Định hướng ưu tiên thường được các chủ nhà APEC quyết định từ trước đó 2 - 3 năm. Cùng với đó là thời hạn hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020. Do vậy, những vấn đề được thảo luận ở Việt Nam trong năm 2017 sẽ được tiếp tục ở Papua New Guinea - nền kinh tế chủ nhà Năm APEC 2018. Dựa trên những ưu tiên chủ nhà APEC 2017 đưa ra, chúng tôi dự kiến chia sẻ những ý kiến của mình về vấn đề kết nối, trợ cấp xuất khẩu và thương mại”. 

Trở thành thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 1994, là chủ nhà APEC năm 2004, dự kiến vào năm 2019 tới, Chile sẽ tiếp tục đăng cai chủ nhà APEC. Bà Marcela Otero, Giám đốc phụ trách kinh tế đa phương (Tổng cục Kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile) cho biết: Năm APEC 2019 tại Chile sẽ là dịp để các nền kinh tế thành viên đến tìm hiểu xã hội và lĩnh vực kinh tế tư nhân ở Chile và đánh giá quá trình thực hiện những ưu tiên của APEC qua các năm tại đây. 


“ Chile sẽ tiếp tục với những ưu tiên chung của APEC, tiếp tục những công việc mà nền kinh tế chủ nhà trước đó chưa hoàn thành, những công việc năm 2016 ở Peru, năm 2017 ở Việt Nam và năm 2018 của Papua New Guinea. Đó chính là sự tiếp nối công việc nhằm hướng tới sự thịnh vượng của khu vực chúng ta”, bà Marcela Otero chia sẻ. 

Bà Macerla Otero nhận định: Năm 2020 sẽ là năm có nhiều sự kiện trong đó quan trọng nhất là Mục tiêu Bogor. Năm 2010, các nền kinh tế phát triển đã không đạt được Mục tiêu Bogor. Vì vậy, Chile mong muốn Mục tiêu Bogor được hoàn thành vào năm 2020. 

28 năm kể từ khi Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương được hình thành năm 1998, các nền kinh tế thành viên luôn thúc đẩy những mục tiêu nhằm hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng, giàu mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế thế giới. Hành trình của APEC chính là hành trình của sự tiếp nối, kế thừa và sáng kiến vì một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng.

Thu Phương (TTXVN)
Thảo luận các khung chương trình ưu tiên của Năm APEC 2017
Thảo luận các khung chương trình ưu tiên của Năm APEC 2017

Ngày 3/3, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 bước sang ngày làm việc thứ hai.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN