Từ lâu, hạt dẻ Trùng Khánh đã nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi vị ngọt bùi, béo ngậy. Hạt dẻ là món quà quý giá thiên nhiên riêng tặng cho miền đất Trùng Khánh và là niềm tự hào của người dân tỉnh Cao Bằng. Thế nhưng ngày nay, hạt dẻ Trùng Khánh đang bị hạt dẻ Trung Quốc lấn át, chiếm chỗ và bị đẩy đến nguy cơ mất thương hiệu, mất chỗ đứng trên thị trường bởi cách làm của những nhà quản lý và cả chính những người nông dân.
"Bán rẻ chính mình"Câu chuyện bắt đầu từ khi người Trung Quốc ở gần biên giới sang Trùng Khánh thu mua hạt dẻ loại 1 với giá rất cao. Không ai biết họ mua giá cao như thế để làm gì, chỉ biết rằng sau đó một thời gian, Trung Quốc lại xuất ngược hạt dẻ vào Trùng Khánh và khoảng 10 năm gần đây, hạt dẻ Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Cao Bằng.
Mới đầu, hạt dẻ Trung Quốc bị đánh giá là kém ngon, không thơm, bùi và ngọt như hạt dẻ Trùng Khánh, nhưng càng ngày, chất lượng hạt dẻ Trung Quốc càng được nâng cao hơn, hạt to, đều, bóng bẩy đẹp mắt và để được rất lâu, có thể bán trong nhiều tháng, giá rẻ bằng một nửa so với hạt dẻ Trùng Khánh. Trong khi đó, ở Trùng Khánh hạt dẻ được trồng theo kiểu "trồng rừng", rất ít có sự đầu tư chăm sóc bài bản, được chăng hay chớ, không có công nghệ bảo quản sản phẩm nên hạt nhỏ, chất lượng không đồng đều, chỉ để được 1 tuần là hỏng.
Hiện nay cả huyện Trùng Khánh chỉ có gần 250 ha cây dẻ, sản lượng 180 - 200 tấn/vụ/năm, quá ít để cung cấp cho thị trường. Vào chính vụ hạt dẻ, người thành phố Cao Bằng muốn ăn hạt dẻ Trùng Khánh phải nhắn người thân gửi từ Trùng Khánh ra mới có. Cũng chính vì sản lượng quá ít, giá cao nên một số người dân huyện Trùng Khánh đã mua hạt dẻ Trung Quốc về trộn lẫn với hạt dẻ vườn để bán cho khách với giá cao. Còn các thương lái thì chỉ cần mang hạt dẻ Trung Quốc đi khắp các tỉnh và gắn dòng chữ hạt dẻ Trùng Khánh là bán "đắt như tôm tươi". Sự gian dối này đang làm mất giá trị của hạt dẻ Trùng Khánh và bị coi là hành động tự bán rẻ thương hiệu của chính mình.
Một nông dân trồng dẻ ở xã Đình Minh (huyện Trùng Khánh) bức xúc cho biết, một số chủ vườn dẻ còn lừa khách du lịch bằng cách đem hạt dẻ Trung Quốc về vãi dưới gốc dẻ. Khách du lịch đến tận vườn, tự tay nhặt hạt dẻ, chắc chắn là dẻ xịn, thế nhưng họ biết đâu rằng mình vẫn bị lừa “đẹp”.
Chị Lan, một tiểu thương bán hạt dẻ Trung Quốc ở chợ Xanh thành phố Cao Bằng cho biết, vợ chồng chị đã buôn hạt dẻ gần 10 năm nay. Vào vụ hạt dẻ, có ngày chị giao cả chục bao hạt dẻ Trung Quốc vào Trùng Khánh, ở đó họ lừa khách hạt dẻ Trung Quốc là hạt dẻ Trùng Khánh để bán giá cao hơn.
Vì đâu nên nỗi?Tại sao hạt dẻ Trùng Khánh quý như thế, giá cao như thế mà chưa ai giàu. Người trồng dẻ vẫn thờ ơ để hạt dẻ Trung Quốc lấn át, chiếm lĩnh và nghiễm nhiên được không thương hiệu của hạt dẻ Trùng Khánh?
Chuyện bắt đầu từ năm 2001, khi tỉnh Cao Bằng phê duyệt Dự án trồng hạt dẻ ở 3 huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hạ Lang với tổng diện tích 2.500 ha. Dự án mang lại nhiều niềm hy vọng và phấn khích cho người trồng dẻ, nhưng cuối cùng dự án đã thất bại thảm hại do cách làm thiếu khoa học, thiếu tính thực tế của các nhà lập dự án.
Những cây dẻ ghép do dự án cấp cho dân trồng không ra quả hoặc có ra nhưng hạt nhỏ, xấu, chất lượng kém. Mặt khác, các nhà quản lý cũng không tính đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ nên khi có sản phẩm, người dân không có chỗ tiêu thụ, phải bán giá thấp khiến cho nhiều hộ trồng dẻ phải dứt ruột tự tay phá đi vườn dẻ đã dày công chăm sóc của mình. Và đến nay, dù giá hạt dẻ khá cao (khoảng 100.000 đồng/kg) nhưng người dân vẫn chưa yên tâm trồng dẻ, số hộ có đến 1 ha của cả huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói về cây dẻ, ông Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh cho biết, huyện vẫn coi hạt dẻ là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế cho nông dân và đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân trồng cây dẻ. Đồng thời tìm các nguồn vốn hỗ trợ nông dân trồng dẻ, nhưng người dân vẫn chưa thật sự vào cuộc.
Tìm hiểu tại các xã Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Đình Minh (các xã trồng nhiều dẻ nhất huyện Trùng Khánh), phóng viên nhận thấy người dân ở đây đều khẳng định họ rất yêu cây dẻ và có đến 60% hộ trồng cây hạt dẻ, thu nhập từ trên 5 - 30 triệu đồng/vụ, nhưng người trồng dẻ chỉ coi đó là cây trồng phụ.
Nhiều hộ có đất nhưng không muốn trồng mới vì giá bán hạt dẻ không ổn định, được mùa thì bị ép giá, mất giá. Một số hộ muốn trồng cây hạt dẻ nhưng không có đất; chưa có quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây dẻ, bà con tự trồng theo kinh nghiệm nên còn nhiều rủi ro, mất mùa, sâu bệnh.
Mặt khác, dẻ là cây lâu năm, phải 8 - 10 năm mới cho quả, trên 15 năm mới cho năng suất, trong khi đó mức hỗ trợ 250.000 đồng/ha quá thấp, người dân không đủ trang trải cho cuộc sống nên chỉ muốn trồng cây ngắn ngày 2 vụ/năm để đảm bảo cuộc sống.
Thực tế lâu nay, chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đứng ra thu mua hạt dẻ làm một đại lý riêng, dán tem nhãn đảm bảo thương hiệu “Hạt dẻ Trùng Khánh” để cạnh tranh với hạt dẻ Trung Quốc. Điều đó khiến cho nhiều người tiêu dùng không phân biệt được hạt dẻ Trung Quốc với hạt dẻ Trùng Khánh và một số nông dân, tư thương lợi dụng điều đó để trục lợi, làm cho thật giả lẫn lộn nhiễu nhương.
Ông Hoàng Văn Sài, ở xã Đình Minh (Trùng Khánh) cho biết, những hộ có hạt dẻ đến vụ không kịp đem ra chợ bán, tư thương, người quen thị trấn đặt mua hết tại vườn giá 100.000 đồng/kg. Điều đó cho thấy, hạt dẻ Trùng Khánh vẫn còn chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Ông Sài và người dân nơi đây mong các cấp, ngành quan tâm bảo vệ thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh, khôi phục lại niềm tự hào của người dân trồng dẻ Cao Bằng, đem thu nhập ổn định lâu dài cho người dân.