Giới chuyên gia cảnh báo với những yếu tố góp phần gia tăng lượng khai thác và tiêu thụ nguồn nhiên liệu hóa thạch này, những hy vọng hạn chế tình trạng Trái Đất ấm lên có thể tiêu tan. Đây là kết quả cuộc khảo sát lần đầu tiên được tiến hành trên khắp thế giới liên quan đến lĩnh vực này, được công bố ngày 24/4.
Cuộc khảo sát trên do hãng Global Fossil Infrastructure Tracker tiến hành và sử dụng dữ liệu mở nhằm phác thảo hàng trăm dự án mới xây dựng các đường ống vận chuyển dầu mỏ và khí đốt trên thế giới. Kết quả cho thấy hơn 180.000 km đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt dự kiến được xây dựng trên toàn thế giới, trong đó khoảng 30% nằm ở khu vực Bắc Mỹ. Tính theo tổng số dự án, lục địa này chiếm khoảng 51,5%. Riêng tại Mỹ và Canada, tổng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai đạt gần 1.000 tỷ USD.
Qua phân tích, Global Fossil Infrastructure Tracker xác định "bong bóng" đầu tư có nguy cơ vỡ khi giá năng lượng tái tạo giảm đột ngột và những quy định nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu bắt đầu có hiệu lực. Báo cáo trên là lời cảnh báo giới đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt khi luật pháp, dư luận, giá nhiên liệu thay đổi cũng như áp lực gia tăng đòi hỏi các chính phủ trợ cấp nhiên liệu đều tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư.
Trước đó, ngày 23/4, nhóm Global Witness công bố báo cáo cho thấy nhiều “ông lớn” trong ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt dự kiến đầu tư tổng cộng khoảng 4.900 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò. Theo Global Witness, điều này “đối nghịch" với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Tháng 10 vừa qua, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) công bố một báo cáo, trong đó nhấn mạnh chỉ có thể đạt mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 - 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu khi giảm mạnh lượng sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Các tập đoàn lớn khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào thăm dò và phát triển các mỏ nhiên liệu mới trong những thập kỷ tới. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực này dự kiến tăng 85% trong 10 năm tới, theo đó đến năm 2029 lên tới mức 1.000 tỷ USD/năm.
Tập đoàn ExxonMobil có kế hoạch đầu tư 149 tỷ USD vào thăm dò các mỏ dầu mới. Tập đoàn Shell dự kiến chi 106 tỷ USD tìm kiếm các mỏ dầu mới và 43 tỷ USD vào các mỏ khí đốt mới. Trong khi đó, mức đầu tư tới năm 2029 của "đại gia" Chevron cho lĩnh vực này là khoảng 78 tỷ USD.
Sản lượng dầu mỏ toàn cầu được dự báo tăng 12% vào năm 2030 - thời điểm mà Liên hợp quốc cho rằng cần phải giảm gần 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới có thể kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.