Hiệp định EVFTA và câu chuyện thực thi

Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi động đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày mai (1/8/2020).

Việc đưa EVFTA vào thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường có nhiều biến động khó lường được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược về thương mại, đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU.

Chú thích ảnh
Sản xuất ngành dệt may xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh minh họa: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Thúc đẩy phát triển

Theo Bộ Công Thương, trong gần 30 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đã không ngừng phát triển.

Chỉ tính riêng 18 năm lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp, 5 tháng năm 2020, EU có 26/27 nước đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 21,66 tỷ USD (tăng 553 triệu USD). Những con số thực tiễn đó đã tạo nên vị thế đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam duy trì suốt 3 thập kỷ qua.

Những con số trên cũng là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp hai bên đi vào bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và EU khi EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực ngay ngày mai 1/8/2020  khi hai bên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn cũng như thủ tục pháp lý khác theo thỏa thuận.  

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Việc EVFTA đi vào thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.

Hơn nữa, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN; đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU (EVFTA)

Theo ông Lương Hoàng Thái, sau quá trình 10 năm từ đàm phán, rà soát pháp lý đến phê chuẩn, cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ chính thức được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do đầu tiên EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á và cũng là hiệp định tiên tiến, mở cửa nhất mà Việt Nam từng tham gia với những cam kết thuận lợi chưa từng có.

Sau khi thực thi, hai bên cam kết xóa bỏ thuế quan cho gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình từ 7 – 10 năm, một số ít các dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%.

Cùng với đó, hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ và đầu tư vô cùng hấp dẫn như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics...; đặc biệt các bên cũng cam kết cả trong những lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững.

Những cam kết trên sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ,... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU... đồng thời cũng giúp các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế hơn ở Việt Nam để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.

Chia sẻ thêm về thị trường này, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ cho hay: EU là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì đối đầu cạnh tranh.

Bởi vậy, nếu doanh nghiệp thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để khai thác một cách hiệu quả cũng đặt ra bài toán không hề dễ dàng đặc biệt trong bối cảnh xu hướng kinh tế khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.

Thực tế cho thấy, mặc dù EU là thị trường tiềm năng với nhiều dư địa tăng trưởng, song các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự chủ động, tích cực trong việc nắm bắt thông tin Hiệp định, biến động thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác EU.

6 tháng đầu năm 2020, thương mại 2 chiều Việt Nạm - EU không tránh khỏi ảnh hưởng do dịch bệnh. Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU (EU27) giảm 8,8%, đạt 16,1 tỷ USD, nếu tính cả thị trường Anh, đạt 19,8 tỷ USD, giảm 11,5%.

Những thị trường trong khối nhập khẩu nhiều hàng hóa Việt Nam gồm Đức 3,31 tỷ USD, giảm 0,2%, Hà Lan 3,178 tỷ USD, giảm 1,8%, Italy 1,412 tỷ USD giảm 20,6%, Pháp 1,5 tỷ USD, giảm 20%, Tây Ban Nha 963 triệu USD, giảm 27,3%, Thụy Điển 556 triệu USD, giảm 5,5%..

Còn rất nhiều thị trường trong khối EU mà hàng hóa Việt Nam chưa vào được nhiều; trong đó, 6 tháng qua, xuất khẩu sang Hungari chỉ đạt 267 triệu USD, Ba Lan 694 triệu USD, Slovakia 400 triệu USD, Bulgaria 30 triệu USD, Croatia 34,7 triệu USD, Luxembourg 25,8 triệu USD, Lithuania 54,4 triệu USD, Cộng hòa Czech 203 triệu USD, Romania 104 triệu USD.

Tận dụng hiệu quả

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú) tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) khẳng định: Hiệp định EVFTA có hiệu lực, vai trò trung tâm của Chính phủ; trong đó có Bộ Công Thương, đã chuyển sang cho doanh nghiệp.Đây vừa là áp lực nhưng cũng là sứ mệnh để khẳng định vị thế Việt Nam trong sân chơi hội nhập của thế giới; thúc đẩy đầu tư, giáo dục, lao động phát triển bền vững…

Tuy nhiên, tham gia EVFTA đồng nghĩa với việc bước vào “sân chơi” lớn, thực hiện luật chơi chung với các quy định, cam kết bao trùm lên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư nên doanh nghiệp cần phải thấu hiểu các cam kết từ hiệp định để tận dụng hiệu quả.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần nhận thức rõ, EU với hệ thống hàng rào kỹ thuật khắt khe hàng đầu thế giới; hệ thống pháp luật rất phức tạp, đồ sộ, nếu không nắm bắt sẽ bị thiệt và gặp bất lợi trong kinh doanh.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho rằng: Khi tham gia vào cuộc chơi lớn, các quy định của luật chơi sẽ áp dụng cho tất cả thị trường và các doanh nghiệp trong nước sẽ đối diện sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Vậy nên Hiệp định được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường châu Âu khi thị trường này chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, về lâu dài cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra cũng như cập nhật và xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, các yêu cầu hàng hóa ở ngay chính thị trường Việt Nam để đảm bảo tính bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Thực tế cho thấy EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu.

Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Để khai thác tối đa hiệu quả từ Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp hai bên; khuyến khích những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp châu Âu.

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.

Uyên Hương (TTXVN)
Hiệp định EVFTA: Hướng tới sự phát triển bền vững
Hiệp định EVFTA: Hướng tới sự phát triển bền vững

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU mà còn là động lực để hai bên đẩy mạnh hợp tác trong việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN