Lợi nhuận từ 1 sào cà rốt bằng 1 mẫu lúa
Ở huyện Gia Lộc - một trong những vùng rau màu truyền thống của tỉnh Hải Dương - những ngày này, bà con đang thu hoạch rau vụ đông. Theo người dân nơi đây, nhiều năm qua, trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình bà Trần Thị Quê (62 tuổi, thôn Anh, xã Lê Lợi) có 4 sào ruộng, mỗi năm hai vợ chồng bà cấy hai vụ lúa, một vụ bắp cải. Bà Quê cho biết: “Năm nay, nhà tôi trồng bắp cải Sakata chịu nhiệt. Chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gần 2 triệu đồng/sào. Thu hoạch cũng được 6 - 7 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào”.
Hiện Gia Lộc đã gieo trồng được 3.400 ha cây rau màu vụ đông. Những vùng trồng bắp cải, su hào tập trung ở các xã Lê Lợi, Toàn Thắng, Gia Xuyên, Đồng Quang, Phạm Trấn. Bình quân mỗi năm, sản lượng vụ đông của toàn huyện Gia Lộc đạt khoảng 100.000 tấn các loại rau, củ, quả.
Trồng củ đậu ở Kim Thành (Hải Dương) cho thu nhập ổn định. |
Theo ông Đỗ Văn Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc, hiện nay, huyện đã có 26 vùng chuyên canh, với tổng diện tích 510 ha. Hiệu quả sản xuất ở những vùng quy hoạch rau màu chuyên canh cao vượt trội với giá trị trung bình 500 triệu đồng/ha, trong khi những vùng còn lại chỉ 60 - 70 triệu đồng/ha.
Những vùng chuyên canh rau màu còn mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cho nhiều người dân nông thôn với nghề thu mua nông sản, phân phối đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Phạm Văn Tập (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc) vừa gom hàng cho bà con nông dân tại một cánh đồng của xã Lê Lợi vừa cho biết, anh đã theo nghề thu mua nông sản từ 15 năm nay. Vụ đông này, trừ mọi chi phí, thu mua mỗi sào bắp cải, anh có lãi khoảng 1 triệu đồng. Không riêng anh Tập, trên địa bàn huyện, có hàng chục cơ sở thu mua rau màu cho bà con nông dân.
Việc xây dựng vùng cà rốt chuyên canh ở huyện Cẩm Giàng cũng cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng lúa. Năm 2008, huyện Cẩm Giàng đã xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây cà rốt an toàn chất lượng cao, quy mô đồng bãi hơn 300 ha, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Đức Chính (trên 200 ha) và Cẩm Văn (gần 100 ha).
Theo ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, ở những nơi này, lợi nhuận từ 1 sào trồng cà rốt mang lại bằng hoặc cao hơn lợi nhuận thu được từ 1 mẫu trồng lúa. Cụ thể, mỗi sào cà rốt chi phí khoảng 1,7 - 1,9 triệu đồng cho giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và làm đất, mang lại doanh thu 6 - 7 triệu đồng/sào, lãi 3,7 - 5 triệu đồng/sào. Trong khi đó, nếu trồng lúa, chi phí mất 1,15 triệu/sào nhưng cho thu hoạch 1,5 - 1,6 triệu/sào thì lãi chỉ khoảng 300.000 đồng/sào. Thậm chí, có thời điểm thu hoạch không bằng chi phí đầu vào.
Hướng đi bền vững
Theo ông Vương Đức Dũng, trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp tới đây, huyện Cẩm Giàng xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó rau màu đi theo hướng chuyên canh, lựa chọn cây lợi thế, có thị trường ổn định, phối kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Hiện nay, huyện Cẩm Giàng đang chờ phê duyệt Dự án xây dựng các vùng chuyên canh rau màu.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhìn nhận, việc xây dựng vùng chuyên canh có hiệu quả hay không thì mấu chốt vẫn là đầu ra, là thị trường. “Nếu có đầu ra ổn định thì không cần hỗ trợ, bà con vẫn mở rộng diện tích. Ngược lại, không có đầu ra thì dù có được trợ giá giống hay phân bón, bà con cũng sẽ không hưởng ứng”, ông Dũng cho biết.
Xác định hướng đi bền vững cho những vùng chuyên canh rau màu cũng là mối quan tâm lớn của ngành nông nghiệp huyện Gia Lộc trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Đỗ Văn Sáng, giai đoạn 2016 - 2020, trong xu thế diện tích đất nông nghiệp giảm để lấy quỹ đất cho những khu đô thị, công nghiệp, Gia Lộc xác định rõ hướng phát triển sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn, tiến tới sạch, triển khai những mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hoa và một số rau quả thực phẩm cao cấp. Ông Sáng nhấn mạnh: “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020, tất cả rau quả thực phẩm của huyện sản xuất ra là an toàn. Đồng thời, xây dựng được một số thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số loại rau: su hào, cải bắp, dưa lê, dưa chuột”.
Để đạt được mục tiêu đó, Gia Lộc đã đề ra các giải pháp về quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về điện, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh; cử cán bộ chuyên môn đi đào tạo về khoa học kỹ thuật, mời nông dân đi tham quan mô hình; tăng cường liên kết giữa với các cơ quan nghiên cứu khoa học mà trọng tâm là Viện cây lương thực thực phẩm.
Đặc biệt, để có thị trường ổn định, huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dự hội chợ, kết nối giao thương, đẩy mạnh tiếp thị, thông tin, dự báo thị trường cho người dân...
Nghị quyết Điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương nêu rõ, với quy hoạch cây thực phẩm: tăng diện tích rau màu từ .500 ha lên 39.500 ha vào năm 2020 và 40.000 ha vào năm 2030; ổn định diện tích cây vụ đông 21.000 ha; tập trung sản xuất chủ yếu tại các huyện: Gia Lộc, Kim Thành, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn, Thanh Miện. Đồng thời, duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung cây rau màu truyền thống, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn và rau hữu cơ phục vụ xuất khẩu; phát triển mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.