Điều này mang lại những tín hiệu đáng mừng cho người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Sơn La, bởi họ sẽ có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình bà Tòng Thị Quân, vốn là một hộ nghèo ở bản Bằng, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn. Trước đây, do hoàn cảnh đông con, người chồng lại bị tàn tật, thường xuyên đau yếu nên gia đình bà luôn lâm vào cảnh khó khăn, thiếu đói khi giáp hạt. Năm 2010, lần đầu tiên bà biết đến nguồn vốn ưu đãi từ việc vay 8 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà ở. Đến năm 2017, bà làm đơn xin vay tiếp 12 triệu đồng từ vốn hỗ trợ làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ngoài đầu tư công trình theo yêu cầu sử dụng vốn, số tiền dư ra bà Quân dùng để đào ao, san vườn trồng cỏ voi, làm chuồng trại với hy vọng một ngày nào sẽ đó có thêm nguồn vốn mua bò về nuôi.
Đến tháng 3/2019, bà đã làm đơn xin tiếp tục vay vốn. Qua khảo sát, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn xác định trường hợp của bà thuộc đối tượng đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, đang có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi. Vì vậy, bà đã được duyệt vay thêm 50 triệu đồng. Với số tiền vay bổ sung, gia đình bà Quân đã mua ngay một đàn bò 4 con về nuôi và chỉ sau 2 tháng bò đã sinh thêm bê con. Bà Tòng Thị Quân bộc bạch, với số tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mai Sơn những năm qua đã giúp gia đình bà từng bước thoát khỏi khó khăn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi nên cuộc sống gia đình bà mới ổn định như hiện nay.
Còn đối với gia đình ông Quàng Văn Dâm ở bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Trước năm 2017, gia đình ông Dâm thuộc hộ cận nghèo được vay 50 triệu đồng sử dụng vào việc chăn nuôi. Số bò trong chuồng đã có lúc lên tới 15 con, nhưng thiên tai ập đến, trận lũ cuối tháng 8/2017 đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, hoa màu, gia đình lâm vào hoàn cảnh mất trắng. Vì thế, ông phải bán hết số bò đang nuôi nhưng cũng không đủ để làm lại nhà và khôi phục sản xuất.
Trước hoàn cảnh đó, ông đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La xét duyệt nâng mức cho vay thêm 50 triệu đồng. Toàn bộ số vốn vay có được, ông Dâm đã đầu tư mua bò nuôi nhốt chuồng, cải tạo lại diện tích đất nương trồng hơn 200 cây nhãn ghép và bưởi da xanh. Ông Dâm chia sẻ, mặc dù số dư nợ hiện nay lên tới 100 triệu đồng nhưng ông cùng gia đình rất tự tin. Bởi, từ trước đến nay, gia đình ông đã có kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc cây ăn quả. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ lúc khó khăn thì chưa biết đến khi nào gia đình ông mới có thể vươn lên được.
Tính đến hết năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La đã triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt hơn 4.000 tỷ đồng với trên 135.000 đối tượng vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... Đặc biệt, thực hiện quyết định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay, từ tháng 3/2019 đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã có 182 hộ cận nghèo được tạo điều kiện vay bổ sung số vốn tối đa 100 triệu đồng để phát triển sản xuất.
Hiện nay, theo khảo sát từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La, mức bình quân mà đối tượng hộ nghèo vay vốn đang ở khoảng 26 triệu đồng/hộ. Như vậy, nhiều hộ nghèo vẫn vay những món vay rất nhỏ để phát triển kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều hộ đã tìm tới những mô hình sản xuất kinh doanh lớn hơn, cần nhiều vốn hơn.
Ở Sơn La trong những năm gần đây, người dân đã và đang có xu hướng phát triển cây ăn quả và chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng. Đặc thù của hình thức phát triển kinh tế này là cần thời gian sinh trưởng dài, hoặc cần một nguồn vốn lớn để đầu tư. Như với các loại cây như xoài, nhãn cần ít nhất từ 5-7 năm mới cho thu hoạch hay chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng ít nhất cũng phải trên 5 năm mới hoàn hết số vốn… Trước khi quyết định nâng mức vay và thời hạn vay có hiệu lực, các hộ vay vốn của những chương trình này chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm.
Theo nhiều hộ dân, trong điều kiện diện tích cây trồng ngày càng tăng thêm, giá cả vật tư, cây giống cũng tăng thì mức vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua một lần phân bón, mua cây giống về ươm trồng, chưa kể còn phải đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Với những cây trồng phải 7 đến 10 năm mới cho thu hoạch thì sau 5 năm - thời điểm phải chấm dứt khoản vay, không ít hộ dân phải “bán non” sản phẩm để trả nợ hoặc vay “nóng” bên ngoài để đảo nợ. Do đó, việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm lần này đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con.
Ông Lê Thái Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La cho biết, việc nâng mức vay và thời gian vay cho hộ nghèo để phù hợp với từng loại hình sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đem lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho nhiều hộ gia đình đang gặp khó khăn về vốn. Chính sách mới không chỉ có ý nghĩa trong xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương và đẩy lùi nạn tín dụng phi chính thức hiện nay. Trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với địa phương chủ động xây dựng các chương trình, dự án, đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.