Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, thời gian qua, ngành đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn.
Hiện Tiền Giang có 5 dự án điện gió đã triển khai xây dựng tại địa bàn ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông; trong đó, có 2 dự án đã hoàn thành là Điện gió Tân Phú Đông 1 cung cấp khoảng 307 triệu kWh/năm và Điện gió Tân Phú Đông 2 đến nay đạt tổng sản lượng điện phát ra khoảng 191 triệu kWh; có 3 dự án điện gió khác tại huyện Gò Công Đông với tổng công suất 882 MW đang được xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 1.700 hệ thống điện năng lượng mặt trời với tổng số phát điện cả năm từ 61 - 67 triệu kWh.
Bên cạnh việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, Tiền Giang còn tập trung phát triển nông nghiệp xanh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh đã triển khai xây dựng một số mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bền vững.
Các mô hình này đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia áp dụng và nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP, xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn bằng hầm biogas làm chất đốt, chạy máy phát điện; mô hình nuôi trùn quế tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như phân lợn, phân bò, rơm, lục bình… thành sản phẩm có ích theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, Tiền Giang cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, hình thành hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh từng vùng, tiểu vùng. Tỉnh quan tâm tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa nền sản xuất lớn thông qua việc đưa các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn kết sản xuất và tiêu thụ, thị trường, cũng như tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình sản xuất…
Tỉnh đang thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững nhằm nâng cao hiệu quả canh tác lúa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, thân thiện môi trường và hiệu quả bền vững. Từ dự án trên, đã có hơn 100.000 nông dân được hưởng lợi, hơn 18.000 ha đất canh tác áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, làm giảm phát thải trên 120.000 tấn khí nhà kính...
Đối với lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, ước tính 100% thân cây bắp, 85% rơm, 31% phụ phẩm trên cây lâu năm và 32% phụ phẩm trên cây rau đã được tỉnh tận dụng để tái sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, ủ gốc giữ ẩm… Một phần cỏ dại cũng được tái sử dụng cho các hoạt động nông nghiệp khác. Người dân có thể thu thêm từ 500.000 – 700.000 đồng/ha từ rơm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Một số lĩnh vực công nghiệp chế biến của tỉnh đã áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn, khai thác tối đa phụ, phế phẩm nông nghiệp như đầu tôm, vỏ tôm, da, mỡ cá tra, bã sả, bưởi sau chưng cất tinh dầu… để chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, trong giai đoạn 2019 – 2023, thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Tiền Giang đã có 27 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt, triển khai thực hiện trên các lĩnh vực lúa, rau, chăn nuôi, trái cây.
Qua đó, có 27 hợp tác xã nông nghiệp liên kết cùng 52 doanh nghiệp với 1.245 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Điển hình như Hợp tác xã Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) hiện quản lý gần 780 ha sầu riêng chuyên canh, chủ yếu trồng các giống chất lượng cao có giá trị xuất khẩu lớn như: Ri6, Mong Thong.
Giám đốc Hợp tác xã Cẩm Sơn Phạm Văn Nuôi cho biết, hợp tác xã đã tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và các ngành chức năng, xây dựng vùng sầu riêng an toàn theo hướng GAP, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe, môi sinh, môi trường; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, công ty giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản. Nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sầu riêng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, muốn hướng đến nền kinh tế xanh phải giải quyết được vấn đề căn bản là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, hạn chế thấp nhất tác động môi trường để tạo ra hiệu quả kinh tế mà xã hội chấp nhận được.
Do đó, đối với việc phát triển các dự án điện gió, UBND tỉnh đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 4 dự án điện gió với tổng công suất 1.032 MW vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong những năm tới.
Đồng thời, Tiền Giang cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì các sở, ngành liên quan hướng dẫn doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà theo hướng: công suất lắp đặt không quá 1 MW/hệ thống; chỉ lắp đặt 1 hệ thống và chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu chứng chỉ xanh để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài.
Mục đích lắp đặt là tự dùng không kinh doanh, phục vụ cấp chứng chỉ xanh. Các doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn, yêu cầu về xây dựng, môi trường, phòng chống cháy, nổ. Sở Công Thương sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện. Cụ thể, địa phương xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch; hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất; không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Đồng thời, ngành đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp - ông Mẫn cho hay.
Dưới góc nhìn chuyên gia, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sánh - Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, Tiền Giang cần đúc kết kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn thành công vào bối cảnh địa phương. Trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về kinh tế xanh, tuần hoàn. Cùng đó, xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, biện pháp khả thi gắn với giải pháp khoa học - công nghệ, thị trường, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước…
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường phía Nam, Viện Nông học thổ nhưỡng cho rằng, để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, Tiền Giang cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, tạo môi trường, động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt các nguồn lực quan trọng như: đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học và công nghệ,…