Từ 10-15/9, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017. Đây là một trong các hội nghị cấp Bộ trưởng chuyên ngành trong năm APEC 2017 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Hội nghị có chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.
Trong số các nội dung sẽ được các thành viên thảo luận sẽ có chủ đề: Thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý, hỗ trợ nâng cao năng lực qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh.
Công ty Trường Vũ, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên làm hàng sơn mài xuất khẩu, ổn định việc làm cho hơn 30 lao động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Tại Việt Nam, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được đặt ra khoảng hơn 10 năm lại đây nhưng các hoạt động hỗ trợ trong thực tế chưa nhiều. Hạn chế về trình độ quản lý, khó khăn trong vay vốn sản xuất, các rào cản về kinh doanh... khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, việc tạo cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp công nghệ, trình độ quản lý, kết nối kinh doanh..., từ đó phát triển sản xuất kinh doanh là vấn đề được doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất quan tâm và cũng là điều mà Việt Nam đang hướng tới..
Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng, trước đây, khi nói đến vấn đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đa phần ý kiến đều cho rằng hoạt động hỗ trợ đó phải hướng trực tiếp đến doanh nghiệp.
“Kinh nghiệm của nhiều nước trong APEC đều cho rằng không nên chuyển lợi ích trực tiếp đến các doanh nghiệp này mà cung cấp các dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn lực, tiếp cận thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp không phải là hà hơi tiếp sức. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (được thông qua tại họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018-PV) cũng thể hiện rất rõ định hướng như vậy”, ông Hồ Sỹ Hùng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã từng khẳng định trước Quốc hội, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa “không bao cấp”, “không cung cấp lợi ích” trực tiếp mà hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách cung cấp các dịch vụ kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được cơ hội tốt hơn, nền tảng tốt hơn. Từ đó, doanh nghiệp tự quyết định số lượng kinh doanh và kết quả kinh doanh của mình.