Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu

Không ít doanh nghiệp Việt nhờ xây dựng thương hiệu thành công mà sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, tuy nhiên để các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng thương hiệu thành công cần phải có sự hỗ trợ.

Đây là nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Câu chuyện thương hiệu”, do Big C Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 20/4.


Vất vả với thương hiệu

Ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc kinh doanh của hãng cà phê Long Triều chia sẻ khó khăn khi xây dựng thương hiệu.

Là một doanh nghiệp siêu nhỏ, chưa có thương hiệu, ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc kinh doanh của hãng cà phê Long Triều đã rất vất vả với bài toán xây dựng thương hiệu. Được biết, câu chuyện xây dựng thương hiệu đến với doanh nghiệp Long Triều cũng rất tự nhiên. Trước kia gia đình anh Tồn có vợ bán quán cà phê, vì muốn có nguồn hàng ổn định cho vợ bán nên anh Tồn đã tự sản xuất cà phê rang xay làm sẵn. Nhiều người uống cà phê anh làm thấy ngon nên đặt hàng, dần dần gia đình anh thành cơ sở sản xuất cà phê rang xay và đem đi bỏ mối cho khách, được nhiều khách hàng ủng hộ.


Anh Tồn cho biết: "Năm 2004, do phải về quê nên tôi không đi giao hàng cho khách và tôi có nhờ người em trai đi giao hàng dùm. Tuy nhiên, khách hàng lại không nhận hàng của em trai tôi và họ nói: “Không biết người giao là ai sao nhận hàng, chỉ biết đã mua hàng và chỉ nhận hàng của anh Tồn”. Từ đây tôi bắt đầu nghĩ sản phẩm của mình phải có thương hiệu để khách hàng nhận diện chứ chỉ dựa vào việc quen mặt thì không thể phát triển sản phẩm”.


“Tôi băn khoăn không biết làm thương hiệu và tên sản phẩm ra sao, vì đâu được học và biết cách làm thương hiệu sản phẩm thế nào. Do đó, tôi đã lấy luôn tên 2 người con Long và Triều của mình để đặt tên cho sản phẩm. Năm 2005, tên sản phẩm đã được khách hàng biết đến, xong lại thiếu phần logo cho sản phẩm. Trong một lần đến nhà người bạn họa sỹ, thấy bạn đang vẽ bức tranh hình con rồng đang phun nước, trong đầu tôi nghĩ rồng nghĩa là long, triều là nước vậy là tôi xin anh ta bức tranh này để làm logo cho sản phẩm của mình”, anh Tồn cho biết thêm.


Sau khi có thương hiệu và logo, anh Tồn bắt đầu phát triển sản phẩm và đem hàng đi bán ở các kênh phân phối. Sản phẩm của anh Tồn khá thuận lợi ở kênh truyền thống do đã có mối quen biết từ trước, tuy nhiên kênh phân phối hiện đại lại là bài toán khó với doanh nghiệp của anh. Theo anh Tồn, chỉ khi vào được kênh phân phối hiện đại thì sản phẩm mới có thể đem hàng đúng chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. Còn bán ở chợ, quán cà phê, nhiều khi họ còn pha thêm tạp chất sẽ khiến mất vị cà phê đúng chuẩn của Long Triều. Chưa kể, anh Tồn phải vất vả cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn về giá cả, chất lượng, bao bì… chưa kể nguồn vốn sản xuất của doanh nghiệp rất hạn chế, truyền thông tiếp thị sản phẩm cũng không mạnh bằng các doanh nghiệp quy mô…. "Tôi đang loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ thì được Big C Việt Nam đồng hành", anh Tồn chia sẻ thêm.


Cũng là một doanh nghiệp hộ gia đình, anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc công ty TNHH MTV Hùng Thái, lại băn khoăn không biết xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn bao bì cho sản phẩm của mình ra sao. Anh Mạnh Hùng chia sẻ: "Sinh ra và lớn lên tại quê hương Thái Nguyên, vùng sản xuất trà nổi tiếng của nước, tuy nhiên những ngày đầu thành lập doanh nghiệp, đơn vị cũng không biết quảng bá, xây dựng thương hiệu như thế nào.


Khi mới cho ra sản phẩm, đơn vị còn bị làm nhái hàng hóa. Hàng hóa cũng khó vào kênh phân phối hiện đại do là thương hiệu mới, người tiêu dùng chưa quen. Để tồn tại, doanh nghiệp phải tự làm phong phú sản phẩm, nhưng đơn vị không biết quy chuẩn quy định bao bì của Việt Nam ra sao để đóng gói hàng hóa cho phong phú”.


Cần nhiều hỗ trợ 


Anh Tồn cho biết, nhờ Big C Việt Nam hỗ trợ về vốn, về cơ sở xuất, tiếp thị sản phẩm… thông qua chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt”, nhờ vậy mà doanh nghiệp mới mạnh dạn phát triển sản phẩm và xây dựng được thương hiệu rộng khắp như hiện nay. Ngày nay, cơ sở sản xuất cà phê rang xay Long Triều đã phát triển lớn mạnh hơn trước. Khởi nghiệp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất chỉ 30 m2 thì này đã phát triển lên tới 4.000 m2.


“Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng được thương hiệu phải có sự đồng hành giúp đỡ của các hệ thống phân phối, nhà quản lý… Có như vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay”, anh Tồn nói.


Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong bài toán xây dựng thương hiệu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh lại thấp, hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa giảm sút, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng do sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết tới, chưa có vốn đầu tư sản xuất, quảng bá thương hiệu, chưa mở rộng được kênh phân phối…. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay với bài toán xây dựng thương hiệu.

"Tuy nhiên, chương trình đồng hành cùng thương hiệu Việt của Big C Việt Nam đã được xem là một hành động cụ thể của nhà bán lẻ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm trong trong kênh phân phối hiện đại. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam nhờ chương trình này cũng đã phát triển mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như doanh nghiệp bánh phồng Tư Bông, doanh nghiệp cà phê rang xay Long Triều, doanh nghiệp trà Tân Cương, doanh nghiệp trà Thái Nguyên Hùng Thái….", bà Loan cho biết thêm.



Ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cho biết, dựa trên những cam kết chiến lược của đơn vị, chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” đã có những bước khởi động mạnh mẽ, lăn xả vào thực tế, cùng làm, cùng nghĩ cùng phát triển với các doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hiệu quả của chương trình đã khá rõ khi chương trình đã hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề khó khăn về tài chính để làm bao bì, làm truyền thông, quảng bá thương hiệu rộng rãi ra cả nước, khu vực….


Từ tháng 10/2016, Big C Việt Nam đã phát động chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt Nam” nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển mình bứt phá, mở rộng thị trường thông qua kênh phân phối bán lẻ hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vươn vai lớn mạnh, phát triển thành công và góp phần làm nên thương hiệu Việt, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa trong nước và khu vực, trên thế giới.


Khi tham gia chương trình này, các doanh nghiệp Việt sẽ được Big C Việt Nam hỗ trợ toàn diện thông tin các khóa học như: hỗ trợ đào tạo về thị trường bán lẻ, chia sẻ thông tin thị trường và thị hiếu khách hàng, đào tạo về đóng gói, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ tài chính, hỗ trợ về phân phối, hậu cậu và truyền thông tiếp thị… để doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ở các kênh phân phối.


Hoàng Tuyết/ Báo Tin Tức
Còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần
Còn tới 92% vốn nhà nước chưa được cổ phần

Theo thông báo mới nhất Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, tính tới nay đã có 96,5% số lượng doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN