Ngày 18/11 tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19” nhằm tìm ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong và sau mùa dịch bệnh COVID-19.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, cho biết năm 2020 là một năm rất đặc biệt đối với Việt Nam khi cùng lúc xuất hiện cả cơ hội và thách thức chưa từng có tiền lệ đan xen. "Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng về phòng chống dịch, nhờ đó vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế dương (9 tháng năm 2020 tăng trưởng 2,12%) trong bối cảnh hầu hết nền kinh tế lớn trên thế giới đều tăng trưởng âm. Năm 2020 cũng đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong việc hội nhập, với EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8, RCEP được ký kết ngày 15/11… mở ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam bứt phá, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa đi các nước", ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tín, với TP Hồ Chí Minh, hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đạt 36,7 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của thành phố cũng có mức tăng trưởng cao như: gạo, cà phê, cao su, thủy sản, lâm sản, máy tính và linh kiện, dệt may, giày dép… Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, các đơn vị, ban ngành, ITPC đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để có thể tận dụng hiệu quả lợi thế mà các FTA đem lại cũng như nâng cao trình độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết, đối với ngành nông lâm thủy sản, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng vẫn cho thấy vai trò làm trụ đỡ cho lĩnh vực xuất khẩu khi xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng 1,6% trong 10 tháng. Tuy nhiên, tỷ trọng nông sản chế biến sâu được xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đạt khoảng 25 – 30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa so với các nước ASEAN). Nhiều sản phẩm trong số đó có tỷ lệ chế biến rất thấp như: rau, quả, thực phẩm chỉ đạt 10%, cà phê chỉ đạt 4 – 6%. Vì vậy, để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trước nhất là cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
"Việt Nam vừa kí rất nhiều hiệp định thương mại mới, các hiệp định này có rất nhiều ưu đãi về thuế quan cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. Chẳng hạn như với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, hạt khô…) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 – 5 năm. Hay như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU cam kết sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định đối với sản phẩm từ gạo và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm", ông Phạm Thiết Hoà dẫn chứng.
Cũng theo ông Phạm Thiết Hoà, sắp tới, doanh nghiệp nên tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường hợp tác, kết nối với đối tác trong chuỗi cung ứng; tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tối ưu hóa hiệu quả của dịch vụ logistic trong xuất khẩu nông sản; xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ thông qua cơ chế liên kết; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia... sẽ là những việc mà doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần làm ngay để phát huy hết giá trị và thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết hành vi tiêu dùng của khách hàng trên thế giới hậu COVID-19 sẽ tập trung vào 5 đặc điểm: Tăng cường nhu cầu cho các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe; đẩy mạnh số hóa các hoạt động như truyền thông, học tập, làm việc, du lịch, giải trí…; mở rộng hoạt động mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ giao hàng tiện lợi; thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu ngắn hạn; quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sau mùa dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung khai thác sản phẩm theo 5 đặc điểm trên, đồng thời tiếp tục đầu tư vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, tích cực tìm kiếm những đối tác mới và đáp ứng các yêu về đảm bảo chất lượng hàng hóa ổn định, lâu dài…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, Thành phố xác định mục tiêu phát triển kinh tế quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, chia sẻ cách thức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả và gia tăng tỷ trọng nguyên liệu nội địa trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại với các nước. TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp trong các hoạt động xuất khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
“Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của các cơ quan chức năng Trung ương và TP Hồ Chí Minh trong hoạt động xuất khẩu, hy vọng doanh nghiệp thành phố sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Bởi các doanh nghiệp là nguồn đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung”, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.