Tại buổi làm việc với đoàn công tác, các đại biểu tỉnh Hòa Bình đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn mở mới phòng giao dịch tại các vùng sâu, vùng xa; quan tâm chỉ đạo Hội sở chính các ngân hàng thương mại hỗ trợ về nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án lớn trên địa bàn.
Đồng thời sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 về cho vay tiêu dùng với hồ sơ thủ tục đơn giản hơn, thuận tiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng đen; triển khai các gói tín dụng tiêu dùng đối với công chức, viên chức với lãi suất ưu đãi, thời gian phù hợp; kiến nghị với Chính phủ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lợi tức góp vốn của thành viên Quỹ tín dụng nhân dân có mức đóng thuế thu nhập cá nhân dưới 100.000 đồng/năm...
Ngoài ra, các đại biểu đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách nói chung và chính sách liên quan đến Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành ngân hàng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Các chính sách, hoạt động của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được về tình hình kinh tế - xã hội, tỉnh Hòa Bình còn gặp rất nhiều khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành ngân hàng để tỉnh phát triển trong thời gian tới, góp phần hoàn hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Hòa Bình, hiện có 14 chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng đang hoạt động. Trong đó có 10 chi nhánh cấp I của các tổ chức tín dụng, 4 Quỹ tín dụng nhân dân, 5 Chương trình Dự án tài chính vi mô, 939 điểm giới thiệu dịch vụ của các Công ty tài chính tiêu dùng. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định về trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với 5 lĩnh vực ưu tiên; bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều chỉnh giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giữ ổn định thị trường tiền tệ.
Các hoạt động liên quan đến ngoại hối và kinh doanh vàng chấp hành các quy định hiện hành của pháp luật. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 34.628 tỷ đồng, tăng 4.472 tỷ đồng (+14,7 %) so với cuối năm 2022. Vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng ổn định, huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 74% trong nguồn vốn huy động. Tại thời điểm 31/12/2023 nợ xấu nội bảng 197 tỷ đồng chiếm 0,49%/tổng dư nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đang triển khai 18 chương trình tín dụng dành cho đối tượng là chính sách và đồng bào người dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách tín dụng của nhà nước, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, hoạt động ngân hàng trong năm qua cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, đã triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối. Về các ý kiến của đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp của tỉnh đề nghị lãnh đạo các ngân hàng tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở xem xét giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, thủ tục vay vốn, hỗ trợ lãi suất... Đặc biệt đề nghị phối hợp triển khai các dự án liên quan đến nhà ở xã hội, hướng đến các đối tượng có thu nhập thấp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, đảm bảo hoạt động cho các tổ chức tín dụng; đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đồng hành, chia sẻ hoạt động ngân hàng nói chung, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả.
Nhân dịp này, Đoàn công tác đã trao tặng nguồn vốn hỗ trợ an sinh cho tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã trao tặng 7 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí mua máy chụp cắt lớp cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trao tặng 500 triệu đồng hỗ trợ kinh phí sửa chữa Trạm y tế huyện Lạc Thủy.