Hoa Đà Lạt loay hoay tìm hướng xuất khẩu

Hiện nay, Lâm Đồng có diện tích hoa lớn nhất cả nước với trên 3.500 ha/năm, trong đó thành phố Đà Lạt chiếm trên 50% diện tích và gần 70% sản lượng cả tỉnh. Các giống hoa chất lượng cao được đưa vào khai thác và mở rộng quy mô sản xuất như: lily, cúc, bibi, cát tường, sao tím, salem, địa lan, thiên điểu, hồ điệp… Tuy nhiên, hướng ra cho thị trường xuất khẩu hoa Đà Lạt vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Thị trường nội địa vẫn yếu

Với trên 400 loài hoa cùng hàng ngàn giống hoa đã có từ lâu đời ở Đà Lạt và xuất xứ từ Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Úc…, hoa Đà Lạt đã góp phần cho thị trường hoa trong và ngoài nước ngày càng phong phú và đa dạng. Năm 2011 vừa qua, sản lượng hoa Đà Lạt thu hoạch ước đạt khoảng 1,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu chiếm 1,4 triệu cành. Theo đó, doanh số ước đạt trên 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng.


Hoa Đà Lạt chỉ mới tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa.


Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Án – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, mặc dù ngành sản xuất hoa Đà Lạt – Lâm Đồng đang phát triển mạnh mẽ nhưng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Mặt khác, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất hoa theo công nghệ cao còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng thương phẩm thấp. Đây là hậu quả của việc thoái hóa giống do chính nông dân sử dụng nguồn giống tự sản xuất quá lâu và không được phục tráng.

Ông Lê Văn Cường – Giám đốc Công ty Đà Lạt Gap, cũng thừa nhận: “Phần lớn nông dân chủ yếu sử dụng các loại giống tự nhân lấy theo kỹ thuật truyền thống như giâm cành, gieo hạt hoặc nhân nhanh vô tính bằng kỹ thuật nuôi cấy mô. Trong khi đó, nguồn giống này rất dễ có nhiều mầm bệnh nên chất lượng hoa không đảm bảo. Mặt khác, do thiếu thông tin về thị trường nên việc tự tổ chức sản xuất của các hộ nông dân chưa có kế hoạch, không thể điều phối hợp lý giữa cung – cầu, làm giá các sản phẩm hoa bấp bênh. Bên cạnh đó, sản lượng hoa hàng năm tăng nhưng sức mua không tăng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt vẫn loay hoay trong nước và thiếu đầu ra ổn định”.

Một điểm yếu nữa là hoạt động của các doanh nghiệp ngành hoa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước, vẫn còn rất nhiều hạn chế trong sản xuất và kinh doanh khi mang hoa xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo ông Trần Huy Đường – Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, không chỉ thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu chuyên gia tư vấn về kỹ thuật để sản xuất được sản phẩm hoa có chất lượng cao mà các doanh nghiệp trồng hoa còn thiếu hiểu biết cả về thị trường quốc tế, quy trình sản xuất hoa khép kín… nên đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hoa Đà Lạt. Do đó, mặc dù ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng đầy tiềm năng để phát triển, nhưng trong giai đoạn hiện nay cũng chỉ có thể đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu thị trường nội địa là chính.

Tìm hướng phát triển bền vững

Hiện nay, thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt – Lâm Đồng chiếm gần 95% nội địa, hơn 5% còn lại là xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Úc, Philippin, Singapore, Đài Loan, Campuchia… Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Đà Lạt – Hasfarm chiếm 90% thị trường xuất khẩu hoa Đà Lạt, còn lại là doanh nghiệp Bonnie Farm, Rừng Hoa, Việt Nam Thành Công, Hiền Hòa…

Để ngành hoa Đà Lạt – Lâm Đồng phát triển bền vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Phạm Văn Án cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng hoa thành phẩm, đồng thời hạ giá thành, đem lại hiệu quả cho người lao động; trong đó, tập trung công tác nghiên cứu, lai tạo giống hoa mới, chủ động tạo ra nguồn giống tại chỗ, giảm phụ thuộc vào nguồn giống nhập nội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng, song song đó cũng cần xây dựng thương hiệu Hoa Đà Lạt dựa trên bảo hộ nhãn hiệu gắn với địa danh nơi sản xuất. Thực tế cho thấy, sau khi gia nhập WTO, hoa Đà Lạt vẫn chưa khẳng định trên thị trường quốc tế, theo đó sản lượng xuất khẩu trong nhiều năm qua vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu hoa Đà Lạt mới chỉ xong về mặt thủ tục pháp lý, còn quảng bá và xây dựng hình ảnh đang tiếp tục được tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh đầu tư, cụ thể các kỳ Festival hoa Đà Lạt.

Dù vậy, ông Lê Văn Cường cho rằng, việc tổ chức lễ hội hoa chỉ mới mang tính hình thức, đem lại hiệu quả về du lịch và dịch vụ chứ chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân cũng như doanh nghiệp trồng và sản xuất hoa. Cụ thể qua 4 kỳ Festival hoa Đà Lạt, các doanh nghiệp không tăng thêm được hợp đồng xuất khẩu hoặc thị trường xuất khẩu nào mới. Phần lớn, các hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp có được chủ yếu là tự tìm kiếm trên mạng.

Ông Nguyễn Đình Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, khuyến nghị ngoài đẩy mạnh quảng bá hình ảnh hoa Đà Lạt, cần phải có sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bởi hiện nay, việc sản xuất hoa Đà Lạt vẫn trong tình trạng đơn lẻ, chủ yếu với quy mô nhỏ. Do vậy, sự hợp tác này sẽ xây dựng được một quy trình quản lý chất lượng, đưa sản phẩm hoa tiêu thụ không chỉ trong thị trường trong nước mà vươn xa hơn ra thị trường thế giới. Ngoài ra, cần xây dựng chợ đầu mối thúc đẩy hoạt động cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN