Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã khai mạc ngày 4/11 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với sự tham gia của đông đảo các quan chức chính phủ, các tập đoàn kinh tế, công nghiệp, tổ chức tài chính, xã hội và doanh nghiệp các nước thành viên.
Hội nghị lần này do Diễn đàn kinh tế thế giới và Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) phối hợp tổ chức, mang tựa đề “Định nghĩa lại hợp tác công-tư về một sự khởi đầu mới” (Redefining Public-Private Cooperation for a New Beginning).
Quan tâm tới các chính sách cải cách tại Ấn Độ sau cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 hồi tháng 5 vừa qua, Diễn đàn kinh tế thế giới muốn biến Hội nghị lần này thành cơ hội để các nước thành viên tiếp xúc với Chính phủ mới của Thủ tướng Narendra Modi và cùng nhau xác định giai đoạn tiếp theo cho tiến trình cải cách tại Ấn Độ.
Trong ba ngày làm việc (từ ngày 4-6/11), Hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chủ chốt của quốc gia và khu vực, theo ba nhóm chủ đề chính, gồm thúc đẩy sự cạnh tranh toàn cầu; tiến hành sắp xếp lại các hệ thống trong nước; tăng cường đổi mới xã hội và đổi mới tại địa phương.
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5/ 2014 tại Ấn Độ là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử Ấn Độ kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1947. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, có thị trường bán lẻ đầy tiềm năng, với giá trị sẽ lên tới khoảng 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Một chính phủ ổn định và có quyết tâm cao là “chìa khóa” để thực hiện các chương trình lớn trong nước và toàn cầu của Ấn Độ. Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới lần này sẽ thảo luận cách thức định hình chính sách cho sự phát triển toàn diện của Ấn Độ.
Về chủ đề thúc đẩy sự cạnh tranh toàn cầu, Hội nghị sẽ tìm cách thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tới Ấn Độ, xác định đâu là thách thức và cơ hội cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này; bàn cách thức để Ấn Độ có thể điều chỉnh mô hình đối tác công tư (PPP) và tìm nguồn vốn của tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng; cách thức để Ấn Độ có thể tăng cường sự cạnh tranh thông qua việc tiến hành cải cách các hệ thống cơ chế; tìm giải pháp cần thiết để thanh niên Ấn Độ có thể tìm được việc làm trong thị trường trí tuệ toàn cầu.
Với chủ đề triển khai sắp xếp lại các hệ thống trong nước, Hội nghị sẽ tìm cách thức để Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng cao một cách bền vững. Do Ấn Độ đang phải cân bằng nhiều mục tiêu ưu tiên để kiềm chế thâm hụt tài chính, nên Hội nghị sẽ nghiên cứu cách thức đổi mới cần thiết cho cơ chế phúc lợi xã hội của nước này; nghiên cứu cách thức để Ấn Độ bảo đảm tính minh bạch và loại bỏ tham nhũng sao cho không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, cũng như người dân; cách thức để Ấn Độ có thể trở thành một trung tâm chế tạo, do công nghệ sáng tạo dẫn đầu.
Trong chủ đề tăng cường đổi mới xã hội và địa phương, hội nghị sẽ thảo luận những sáng kiến đổi mới cần thiết của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện; thảo luận những biện pháp cụ thể để chấm dứt bạo lực giới tính và tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ; vai trò của truyền thông Ấn Độ trong việc phá vỡ những rào cản trong các nguyên tắc và giá trị xã hội cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu trước thềm hội nghị, ông Viraj Mehta, Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới, phụ trách về Ấn Độ và khu vực Nam Á, nói “Tiến bộ của Ấn Độ tùy thuộc chủ yếu vào khả năng lãnh đạo nước này triển khai những quyết định táo bạo”. Ông Viraj Mehta hy vọng hội nghị lần này sẽ tạo ra một môi trường theo đó những quyết định như vậy có thể được thúc đẩy.
Minh Lý - Đăng Chính (P/v TTXVN tại New Delhi)