Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW thời gian qua.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh mong muốn, tỉnh Quảng Ngãi sớm tập trung hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển mạnh công nghiệp để Quảng Ngãi trở thành trung tâm công nghiệp nặng, quy mô lớn của vùng với “hạt nhân” là Khu kinh tế Dung Quất và lợi thế cảng nước sâu Dung Quất. Tỉnh nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp lọc hóa dầu, sau hóa dầu, cơ khí chế tạo luyện kim công nghiệp phục vụ kinh tế biển… hướng tới các ngành kinh tế có điều kiện tiếp cận với công nghệ cao và mang lại giá trị gia tăng cao, bền vững hơn. Những chuỗi giá trị từ ngành công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp điện tử, thông tin; kinh tế số cần phải được tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị, tỉnh cần quan tâm nghiên cứu các giải pháp đột phá đối với lĩnh vực phát triển đô thị để quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành động lực tăng trưởng và thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…; phải tạo ra "làn sóng" đầu tư phát triển mới trên tinh thần cởi mở, thân thiện, minh bạch, kiến tạo để thu hút được các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh các dự án quan trọng, dự án khởi nghiệp sáng tạo xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm và mang tính xuyên suốt…
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân thông tin, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tính đến cuối năm 2021, GRDP của Quảng Ngãi đạt gần 53.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 3.360 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2021 đạt 10,92%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ ngày càng cao; nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Đáng chú ý, Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là “hạt nhân” tăng trưởng và là động lực phát triển của tỉnh. Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể; quốc phòng, an ninh được giữ vững; loại hình du lịch - dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa nhiều. Quy mô kinh tế biển nhỏ. Hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế chưa cao. Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, chỉ rõ những những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc để trên cơ sở đó, đề ra những quan điểm phát triển, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, chính sách trong thời gian đến, tạo ra xung lực phát triển mới cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, Trung ương cần có cơ chế trích lại phần trăm từ nguồn thu mà tỉnh nộp về cho Trung ương, lấy đó làm nguồn vốn tái đầu tư phát triển kinh tế - hạ tầng tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. Điều đó giúp hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và địa phương đồng thời giúp địa phương có thêm động lực quản lý nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo ra nguồn thu nhiều hơn nữa trong thời gian đến.
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện kiến nghị, Quốc hội cần xem xét nâng mức chi đầu tư phát triển, đặc biệt là đối với tỉnh có địa bàn khó khăn (miền núi, hảo đảo) thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Cùng với đó, nâng mức chi hỗ trợ theo tiêu chí dân số đối với chi thường xuyên theo Nghị quyết 01/2021/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 5 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nằm trên trục Quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường sắt Bắc - Nam, gần sân bay Chu Lai, tiếp giáp Biển Đông, có cảng nước sâu Dung Quất, Quảng Ngãi có vị trí “đắc địa” và có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc phát triển thương mại trong nước và quốc tế. Ngoài ra, với diện tích tự nhiên khoảng 5,2 nghìn km2; địa hình đa dạng với vùng núi cao, vùng trung du, đồng bằng và vùng ven biển, hải đảo; dân số khoảng 1,3 triệu người nên Quảng Ngãi còn có thêm thế mạnh về phát triển đa dạng các ngành kinh tế với nguồn lao động dồi dào...