Thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động hợp tác quốc tế
Về quan hệ song phương, đến nay, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với hơn 50 Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, ký kết 29 thỏa thuận quốc tế với các SAI và các tổ chức quốc tế, trong đó nhiều SAI giữ vai trò chủ chốt trong Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), như: Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Canada… Kiểm toán Nhà nước đã có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán danh tiếng như: Hiệp hội Kế toán công chứng Vương quốc Anh (ACCA), Hiệp hội Kế toán công chứng Úc (CPA)...
Về hợp tác đa phương, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập sâu và tham gia thực chất hơn vào hoạt động của các tổ chức kiểm toán trên thế giới và khu vực. Tháng 9/2018, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 tại Hà Nội với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng là thành viên đương nhiên của Ban điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp (9 năm) từ năm 2015 đến năm 2024. Đây là sự kiện đối ngoại mang tính bước ngoặt, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam không chỉ trong nước mà còn mở rộng trên phạm vi quốc tế và khu vực.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã thiết lập và mở rộng mối quan hệ với các nhà tài trợ có uy tín trách nhiệm như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Quỹ kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada, nhằm thu hút nguồn lực phục vụ mục tiêu chung phát triển Kiểm toán Nhà nước, nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã giúp Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện thể chế, văn bản hướng dẫn kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, hoạt động đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020.
Yêu cầu và những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới
Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế nổi trội trong quan hệ quốc tế. Đối với cộng đồng quốc tế và khu vực, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam ngày càng trở nên chuyên nghiệp, có uy tín, đặc biệt với tư cách Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Việc phát huy các thành tựu vốn có và hướng tới gánh vác các trách nhiệm cao hơn trong cộng đồng quốc tế là việc cần thiết để tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của Kiểm toán Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công (khoản 1, Điều 118, Hiến pháp 2013). Kiểm toán Nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (Điều 9, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015). Để hoàn thành sứ mệnh do Đảng và Nhà nước giao phó, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên; hoàn thiện bộ máy tổ chức, các thể chế, chính sách, quy định về lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hội nhập hợp tác quốc tế về lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mặt công tác của Kiểm toán Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, vấn đề hội nhập quốc tế về kiểm toán nhà nước là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030. Chiến lược xác định rõ mục tiêu hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2020-2030 là "Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, lấy hội nhập chuyên môn làm trụ cột; tiếp tục khai thác hiệu quả và mở rộng các quan hệ song phương; chủ động tham gia, xây dựng các quy tắc, chuẩn mực đa phương; tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước trong việc tăng cường năng lực hoạt động kiểm toán, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, tiệm cận các tiêu chí, quy trình, chuẩn mực kiểm toán chung một cách kịp thời và hiệu quả”.
Để đạt được mục tiêu đó, Kiểm toán Nhà nước chú trọng vào một số nội dung. Một là, tiếp tục chủ động thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các cơ quan kiểm toán tối cao theo cả chiều rộng và chiều sâu; tăng cường trao đổi kinh nghiệm chuyên môn thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên môn với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong khu vực và thế giới; đẩy mạnh triển khai và rà soát đánh giá việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế, hướng tới ký kết các thỏa thuận hợp tác vì mục tiêu tăng cường năng lực cho các lĩnh vực ưu tiên của Kiểm toán Nhà nước.
Hai là, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc và tổ chức phổ biến các kinh nghiệm quốc tế kịp thời phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho Kiểm toán Nhà nước một cách hiệu quả; cập nhật kịp thời thông tin và kinh nghiệm kiểm toán các vấn đề mới nổi; xây dựng và quản lý tốt nguồn tài liệu quốc tế tham khảo cho ngành; tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu xây dựng hệ thống trực tuyến giúp việc tiếp cận nguồn tài liệu nhanh chóng, kịp thời.
Bà là, chủ động tham gia sâu vào các tổ chức hợp tác đa phương trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, đề ra các mục tiêu rõ ràng, cụ thể; tích cực vận động để đảm nhiệm các vị trí quan trọng có tính dẫn dắt, định hướng sự phát triển của tổ chức, cụ thể: hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch ASOSAI đến năm 2021 và thành viên Ban điều hành ASOSAI đến năm 2024; chủ động ứng cử vị trí thành viên Ban điều hành Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) giai đoạn 2019-2025, Tổng Thư ký ASOSAI sau năm 2027 và Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) sau năm 2028; ứng cử thành công vai trò kiểm toán viên độc lập cho các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ASEAN và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc trong giai đoạn 2021-2030; ứng cử vai trò chủ trì điều phối đề án, hoạt động nghiên cứu của ASOSAI và INTOSAI sau năm 2025.
Bốn là, chủ động đóng góp sáng kiến, khởi tạo một diễn đàn chuyên môn đa phương hoạt động định kỳ hàng năm nhằm tiếp thu và cập nhật liên tục, có hệ thống kiến thức và kinh nghiệm kiểm toán trong khu vực ASEANSAI và ASOSAI; xây dựng, tái cơ cấu các Ban, Nhóm chuyên môn của Kiểm toán Nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn và có trọng điểm, nhằm tham gia có hiệu quả vào các ban, nhóm làm việc của các tổ chức quốc tế và khu vực về lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước.
Năm là, tích cực tham gia, đóng góp xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn chung, đặc biệt là các quy định, hướng dẫn liên quan đến chuyên môn kiểm toán; mở rộng hình thức, nâng cao cấp độ hợp tác chuyên môn kiểm toán thông qua hợp tác, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm, tiệm cận các tiêu chí, quy trình, chuẩn mực kiểm toán chung một cách kịp thời và hiệu quả, hướng tới là nước nổi trội trong ASEAN-4 về năng lực kiểm toán trước 2030.
Sáu là, nỗ lực tạo đột phá trong vận động, thu hút, tìm kiếm, triển khai các chương trình dự án tài trợ nước ngoài, tăng nguồn lực góp phần vào sự phát triển chung của Kiểm toán Nhà nước; chủ động nắm bắt kịp thời các xu thế viện trợ trong tình hình mới, từ đó đề xuất thực hiện các ưu tiên hỗ trợ vừa phù hợp với xu thế viện trợ, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
Bảy là, tăng cường công tác vận động, nâng cao sự hiểu biết giữa Kiểm toán Nhà nước và cộng đồng các nhà tài trợ thông qua Hội nghị nhà tài trợ do Kiểm toán Nhà nước tổ chức thường niên, tập trung các nhà tài trợ truyền thống có mối quan hệ mật thiết với Kiểm toán Nhà nước như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB), Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA), Quỹ Kiểm toán và trách nhiệm giải trình Canada (CAAF), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cục hợp tác kinh tế Thụy Sỹ (SECO)…
Tám là, chủ động, nâng cao năng lực đàm phán và thiết kế dự án, phấn đấu huy động từ 2-3 dự án hỗ trợ kỹ thuật trước năm 2030, tập trung phục vụ các mục tiêu: hoàn thiện thể chế, phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; đào tạo nhân lực, đội ngũ kiểm toán viên và xây dựng tài liệu hướng dẫn, cẩm nang kiểm toán theo chuẩn quốc tế; đẩy mạnh hoạt động kiểm toán các chương trình dự án ODA tại Việt Nam, trở thành cơ quan kiểm toán tin cậy của các nhà tài trợ chính như WB, ADB, JICA, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA)…