Năm 2019 Kiểm toán nhà nước (KTNN) tròn 25 năm xây dựng và phát triển, trong suốt thời gian đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán luôn được Ban Cán sự Đảng KTNN, Tổng KTNN quan tâm, chỉ đạo sát sao; Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo, đóng góp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển của ngành “trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín”.
Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - Những kết quả nổi bật
Một là, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng gắn với quá trình hình thành cơ cấu đội ngũ kiểm toán viên Nhà nước
KTNN phát triển không có đơn vị tiền thân. Lực lượng lao động dần dần được hình thành và lớn mạnh; với số lượng từ ngày đầu thành lập khoảng 60 người, đến nay biên chế của KTNN được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao ổn định từ năm 2013 là 1.974 công chức và 135 viên chức. Cơ cấu lực lượng lao động phù hợp, đủ năng lực, trình độ thi hành công vụ, trong đó đội ngũ kiểm toán viên cao cấp: 1,5%, kiểm toán viên chính: 33%, kiểm toán viên: 65,5%, chuyên môn đào tạo về tài chính - kế toán - kiểm toán: 58,4%, xây dựng - giao thông - thuỷ lợi - kiến trúc: 22,1%; quản lý kinh tế - quản lý nhà nước - luật - công nghệ thông tin và khác: 19,5%.
Hai là, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng luôn được coi trọng và đảm bảo, gắn với quy mô đào tạo phù hợp.
Số lượng kiểm toán viên của KTNN được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhu cầu phát triển nhân lực của Ngành. Theo số liệu thống kê của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, tính từ khi thành lập đến hết năm 2019, KTNN đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn kiểm toán theo chương trình ngạch, bậc kiểm toán viên nhà nước cho hơn 3.500 lượt học viên; bồi dưỡng kiến thức bổ trợ chuyên ngành phục vụ hoạt động kiểm toán và kiến thức, kỹ năng làm việc, quản lý cho hơn 16.000 lượt học viên. Riêng 3 năm 2017 - 2019, kết quả cụ thể như sau: Năm 2017: 56 lớp học, tọa đàm, tập huấn với 2.735 lượt học viên; năm 2018: 44 lớp học, tọa đàm, tập huấnvới 1.823 lượt học viên; năm 2019: 37 lớp học, tọa đàm, tập huấn với 1.534 lượt học viên.
Cùng với việc đảm bảo quy mô đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu đào tạo của kiểm toán viên, KTNN luôn chú trọng các giải pháp để kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo. Các khóa đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm, chuẩn bị chu đáo từ khâu xây dựng kế hoạch, mời giảng viên, chuẩn bị tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Công tác phối hợp với các đơn vị liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; giúp chất lượng quản lý đào tạo, chất lượng giảng dạy ngày một tốt hơn.
Ba là, hệ thống tài liệu giảng dạy ngày càng hoàn thiện phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng nhiệm vụ của ngành trong từng giai đoạn. Giai đoạn đầu (trước khi Luật KTNN 2005 có hiệu lực), chủ yếu tập trung đào tạo các vấn đề nền tảng về hoạt động chuyên môn kiểm toán để trang bị cho kiểm toán viên kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán. Giai đoạn sau (từ năm 2006 - nay), tập trung đào tạo, bồi dưỡng các ngạch kiểm toán viên; đặc biệt, 5 năm gần đây, hệ thống tài liệu giảng dạy đã dần được hoàn thiện theo hướng phân thành 2 phân hệ: Phân hệ 1. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, gồm có: các chương trình đào tạo ngạch bậc kiểm toán viên nhà nước; các chương trình bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo lĩnh vực; các chương trình bồi dưỡng kiểm toán chuyên sâu về những lĩnh vực kiểm toán nợ công, thuế, môi trường, công nghệ thông tin...và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp tổ trưởng, trưởng đoàn...
Phân hệ 2. Đào tạo, bồi dưỡng công chức, gồm: Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch; chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý (cấp phòng, cấp vụ); chương trình cập nhật kiến thức hàng năm cho công chức Nhà nước.
Các phân hệ được tổ chức song song, nhưng bổ sung, tương hỗ nhằm hình thành năng lực chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp cho kiểm toán viên Nhà nước.
Bốn là, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của học viên
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của KTNN được tổ chức đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người học với các hình thức đào tạo phù hợp với tính chất, nội dung đào tạo; gồm đào tạo tập trung, đào tạo trực tuyến.
Bên cạnh Trường Đào bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán luôn chủ động tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc cử các bộ công chức tham gia các khóa đào tạo do các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo, gồm bồi dưỡng các ngạch quản lý nhà nước; bồi dưỡng kỹ năng quản lý, lãnh đạo cấp vụ; cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng tiếng Anh chuyên ngành; đào tạo chứng chỉ kiểm toán quốc tế ACCA, CPA... Nhờ đa dạng hóa hình thức đào tạo mà nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của kiểm toán viên được đáp ứng một cách tối đa và đạt hiệu quả thiết thực.
Phát triển nguồn nhân lực “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”
Thứ nhất, xác định định hướng đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế của ngành.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước cần được định hướng, xác lập một cách đồng bộ, xuyên suốt nhằm tạo lập sự thống nhất với các các hoạt động chuyên môn có liên quan giúp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành.
Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần được thiết kế để tạo nên môi trường chia sẻ nhiều hơn từ chính người học thay vì việc cung cấp thông tin từ phía giảng viên. Cần chuyển đổi hình thức đào tạo môt chiều thành đa chiều và lấy mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, học lẫn nhau để kết quả học tập có tính thực tiễn, gắn với chuyên môn và có tính cập nhật với nhu cầu công việc của từng giai đoạn.
Thứ hai, nâng cao chất lượng lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
Bao gồm kế hoạch đào tạo bồi dưỡng trung hạn (3 năm) và kế hoạch hàng năm. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trung hạn cần bám sát mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành và đưa ra được bức tranh tổng thể về quan điểm đào tạo, bồi dưỡng của KTNN trong mỗi giai đoạn cụ thể. Kế hoạch trung hạn đồng thời là cơ sở, căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và là định hướng tốt cho các đơn vị trực thuộc KTNN chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo của mình phù hợp với kế hoạch chung của ngành, tránh trùng lắp hoặc không bao quát hết nội dung đào tạo cần thiết. Bản Kế hoạch trung hạn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt được công bố rộng rãi để các đơn vị, cá nhân biết và triển khai. Kế hoạch trung hạn được lập hàng năm cho thời gian 3 năm và triển khai theo phương thức cuốn chiếu.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm dựa trên mục tiêu, định hướng của kế hoạch trung hạn, sát với nhu cầu thực tiễn của Ngành và đảm bảo các tiêu chí của kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm (số lớp, đối tượng tham gia, số lượng học viên, lịch học, kinh phí, địa điểm,...).
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng.
Nguồn nhân lực theo đề án phát triển chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn dến 2035 ổn định ở mức 2.600 - 2.700 người, trong đó có khoảng 85% là kiểm toán viên với cơ cấu: kiểm toán viên cao cấp: 3-5%, kiểm toán viên chính: 30-35%. Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời gian tới, trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được trong thời gian qua, KTNN tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức đào tạo kiểm toán viên nhà nước. Nội dung đào tạo hướng tới việc tiếp cận và vận dụng phương pháp kiểm toán hiện đại, kỹ năng kiểm toán chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời có văn hóa ứng xử, bản lĩnh chính trị vững vàng, đẩy mạnh kiến thức, trình độ, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng trong hoạt động kiểm toán. Tiếp tục và đẩy mạnh sự kết hợp giữa phương thức đào tạo truyền thống với đào tạo trực tuyến, online. Kết hợp giữa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động, biệt phái để rèn luyện kiểm toán viên trong hoạt động thực tiễn.
Thứ tư, nâng cao nhận thức về vai trò của đào tạo, bồi dưỡng trong toàn ngành và xây dựng văn hóa học tập suốt đời của các kiểm toán viên, trong đó đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được khẳng định có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển của KTNN.
Thủ trưởng các đơn vị cần tạo điều kiện tối đa để kiểm toán viên của đơn vị tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Ngành tổ chức. Bên cạnh đó khuyến khích kiểm toán viên nâng cao tinh thần tự học, tự đào tạo; góp phần vào quá trình hình thành và phát triển văn hóa tự học và học tập suốt đời.
Thứ năm, ưu tiên tối đa nguồn lực tài chính để đầu tư cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; xây dựng lộ trình cụ thể đảm bảo thực hiện đề án nâng cấp nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.