Trong tháng 11, cả nước có gần 11.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 1.600 tỷ đồng, giảm 21,3% về số doanh nghiệp và giảm 9,8% về vốn đăng ký so với tháng trước, tương ứng giảm 22,6% về số lượng và giảm 27,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng trước và giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 11 tháng, cả nước có hơn 147.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.450.600 tỷ đồng; giảm 0,5% về số lượng doanh nghiệp, trong khi số vốn tương đương cùng kỳ.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập 11 tháng đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế từ đầu năm là gần 2.912.100 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 71.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 lên hơn 218.500 doanh nghiệp, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Bình quân một tháng có gần 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ở chiều ngược lại, tháng 11 có 4.243 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 22,2% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2023; 7.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 39,2% và tăng 14,4%; có 1.910 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,9% và tăng 14,2%.
Kể từ đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 96.200 doanh nghiệp, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 57.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,9% và gần 19.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 19,8%. Tổng số doanh nghiệp rút lui nghiệp rút lui khỏi thị trường là 173.200 doanh nghiệp, tăng 9,1%.
Bình quân một tháng có hơn 15.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo khu vực kinh tế, trong 11 tháng năm 2024 có 1.495 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 34.400 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 2,6%; gần 111.400 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 0,2%.
Phân theo một số lĩnh vực, nhóm doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 59.961 doanh nghiệp thành lập mới và 7.826 doanh nghiệp giải thể, tăng 4,2% về thành lập và 30% giải thể so với cùng kỳ.
Ở nhóm doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 17.855 doanh nghiệp, tăng 1,8%. Trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể là 2.058 doanh nghiệp, tăng 18,1%.
Ở nhóm xây dựng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 7,2%, xuống 14.836 doanh nghiệp; nhưng số doanh nghiệp giải thể tăng đến 10%, lên 1.278 doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhóm kinh doanh bất động sản có cả tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và giải thể cùng giảm, lần lượt là 2,6% và 1% xuống 4.241 doanh nghiệp và 1.137 doanh nghiệp.
Trước tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ này sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; đồng thời, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường quản lý thương mại điện tử, phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu…