So với cùng kỳ năm trước, giảm 12,8% về số doanh nghiệp, giảm 16,2% về số vốn đăng ký và giảm 22,6% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung, 8 tháng năm 2024, cả nước có gần 110,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 994,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 672,4 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, tăng 0,7% về vốn đăng ký và giảm 1,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2024 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tám tháng năm 2024 là hơn 2.041,0 nghìn tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có hơn 57,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tám tháng năm 2024 lên gần 1,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 21 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, 8 tháng năm 2024 có 1,09 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước; 25,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 1,4%; gần 84 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 5,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, có 5,334 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023; có 5,16 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 4,5% và giảm 1,1%; có 1,927 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11,4% và tăng 26%.
Lũy kế 8 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 82,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm trước; gần ,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 5,8%; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,0%. Bình quân một tháng có 16,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Bộ sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường quản lý thương mại điện tử, phòng, chống gian lận xuất xứ, buôn lậu.
Cùng với đó, khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các FTA đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động đàm phán, hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động điều tra chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu…