Đến tháng 10/2012, Hong Kong đầu tư vào Việt Nam 11,96 tỉ USD với 692 dự án, đứng thứ sáu trong các nước đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó, ĐBSCL có 33 dự án với tổng vốn đăng ký 569,9 triệu USD.
Ngày 26/11, UBND thành phố Cần Thơ và Hiệp hội các nhà sản xuất Trung Quốc tại Hong Kong (CMA) phối hợp tổ chức hội thảo "Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cường xúc tiến đầu tư - thương mại với các doanh nghiệp Hong Kong”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày khái quát về vị trí địa lý, tiềm năng, thế mạnh kinh tế của ĐBSCL nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, đặc biệt giới thiệu sâu tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến của vùng. ĐBSCL được Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn FDI, trong đó có các nhà đầu tư Hong Kong.
Đặc khu hành chính Hong Kong và Việt Nam đã ký kết hiệp định về dịch vụ hàng không từ tháng 9/1999. Tháng 12/2008, hai bên ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hồng Công (hiệu lực từ 1/1/2010).
Tháng 4/2009, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam và Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong đã ký thỏa thuận về xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Đặc khu Hong Kong.
Đại diện CMA cho biết: Hong Kong có chính sách thân thiện với doanh nghiệp theo định hướng thị trường tự do. Hong Kong là một trung tâm thương mại, trung tâm tài chính quốc tế với các dịch vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đã thu hút 110 quốc gia thành lập cơ quan lãnh sự và 3.750 công ty đa quốc gia thiết lập trụ sở hoặc văn phòng tại đây.
CMA sẵn sàng phối hợp các cơ quan quốc tế, hiệp hội thương mại, công nghiệp nước ngoài trao đổi thông tin, góp phần phát triển thị trường mới và hợp tác kinh doanh quốc tế, trong đó có Việt Nam và các tỉnh ĐBSCL.
Thế Đạt