Đó là hướng hợp tác, liên kết giữa Hải Phòng với chính quyền địa phương và các Hiệp hội doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Liên kết tạo chuỗi giá trị
Bảy tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có quy mô kinh tế đứng thứ 2 cả nước, chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, chiếm gần 32% GDP của cả nước, thu ngân sách chiếm trên 31% của cả nước, xuất khẩu hàng năm chiếm 32% của cả nước.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể cho biết, sau 8 năm thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được vai trò cầu nối hữu hiệu giữa các hội viên với cơ quan quản lý nhà nước, thực sự là nơi để cộng đồng chia sẻ, kết nối...Hiệp hội đã tổ chức các phiên “Cà phê doanh nhân”, mời doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh để trực tiếp làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Mô hình “Cà phê doanh nhân” hoạt động có hiệu quả không chỉ dừng ở mô hình “Cà phê doanh nhân” của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh mà còn lan tỏa tới các Hiệp hội địa phương khác. Qua đó, cơ quan quản lý có thêm một kênh thông tin để đưa ra những đánh giá cụ thể và khách quan hơn trước khi ban hành quyết định.
Là một doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm trong kết nối chiến lược kinh doanh bền vững, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ, với đặc thù là đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực thương mại, Hapro luôn quan tâm đến việc đầu tư, mở rộng phát triển nguồn hàng trong nước để phục vụ hoạt động xuất khẩu và thương mại nội địa của Tổng công ty. Tổng công ty đã có nhiều mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng để tạo lập hệ thống nguồn hàng, cũng như phát triển kênh phân phối hàng hóa hai chiều.
Hệ thống mạng lưới và nhà phân phối của Tổng công ty cũng đã được mở rộng tại hầu hết các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...Việc đẩy mạnh phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng sẽ góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cùng với tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Hải Phòng không ngừng cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các nguồn lực như mặt bằng, hạ tầng, vốn, thông tin, các chính sách ưu đãi…
Phát triển đa dạng, toàn diện các thành phần kinh tế; trong đó, Hải Phòng chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên chủ động nhận thức, nghiên cứu các khó khăn, thách thức khi thị trường được mở cửa, trên cơ sở đó, có điều chỉnh phù hợp đối với chiến lược kinh doanh, chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực…
Giải pháp đồng bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hợp tác, liên kết giữa các chính quyền địa phương, giữa các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong khu vực để tạo sự liên kết, tạo mạng lưới các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh trên cơ sở có sự liên kết gắn bó trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng.
“Liên kết để tạo chuỗi giá trị và chuỗi giá trị không dừng lại ở phạm vi trong một địa phương”, Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng (VCCI Hải Phòng) Phí Văn Dực, thực tế cho thấy, chưa thể kỳ vọng vào sự đột phá về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp. Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Chúng ta đưa ra mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, nhưng thực sự không dễ dàng và rất khó khăn nếu không có được quyết tâm chính trị, tinh thần cải cách tiếp theo”, ông Dực cho biết thêm.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, cũng như những nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách Nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối. Tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cũng đòi hỏi phải kỹ năng quản trị tương ứng, đặc biệt là gắn với quá trình tích tụ và phân khúc sản xuất công nghiệp. Cạnh tranh truyền thống dựa trên giá cả và chất lượng hàng hóa phải chuyển dần sang cạnh tranh dựa trên tiêu chuẩn, quy mô đơn hàng, thời gian giao hàng, kênh phân phối. Tương tự, cải thiện lợi thế của doanh nghiệp không chỉ là công nghệ, mà còn ở thông tin và gắn kết với các doanh nghiệp/đối tác chiến lược.
Cùng đó, doanh nghiệp cần thường xuyên tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu dựa trên các cam kết và lợi thế so sánh. Cùng với đó, hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa, tập quán của các nước đối tác để "chen chân" dần vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong quá trình này, doanh nghiệp có thể học, chia sẻ kinh nghiệm tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua đáp ứng các quy tắc xuất xứ khác nhau trong các FTA. Cơ hội kinh doanh cũng có thể gắn với các ngành nghề mới trong hội nhập kinh tế quốc tế, như công nghiệp “xanh”, dịch vụ gắn với thương mại điện tử…
Cuối cùng, doanh nghiệp phải đồng hành với Chính phủ và biết đối thoại pháp lý. Chính phủ cũng như các địa phương sẽ không có đủ thông tin và biện pháp chi tiết để hỗ trợ các ngành, doanh nghiệp cụ thể nếu thiếu sự hỗ trợ, đối thoại của doanh nghiệp.