Ngày 3/11, ngân hàng HSBC và công ty Markit Economics đã công bố báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam, trong đó khẳng định các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã cải thiện hơn trong tháng 10 khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng và các công ty tuyển thêm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1/2014.
Bên cạnh đó, tốc độ lạm phát chi phí đã chậm lại tháng thứ ba liên tiếp và các công ty đã có thể chuyển một phần mức giảm chi phí sang cho khách hàng bằng cách giảm giá cả đầu ra.
Báo cáo cũng cho rằng các nhà sản xuất ở Việt Nam có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên tháng thứ hai liên tiếp sau khi giảm nhẹ trong tháng 8, mặc dù mức tăng trong tháng 10 là yếu hơn so với tháng 9.
Dẫn nhận định của một số thành viên nhóm khảo sát, báo cáo cho biết số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể đã tăng nhờ hoạt động bán hàng xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất trong khoảng sáu tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn nên trong tháng 10 các công ty phải tăng sản xuất tháng thứ mười ba liên tiếp mặc dù tốc độ tăng vẫn còn nhẹ.
Theo HSBC, yêu cầu về sản lượng tăng lên là nhân tố chính dẫn đến tăng việc làm tháng thứ hai liên tiếp. Hơn nữa, tốc độ tạo việc làm cũng là nhanh nhất cho đến thời điểm này năm nay. Năng lực tăng thêm này cho phép các nhà sản giải quyết lượng công việc tồn đọng, với số lượng công việc chưa thực hiện giảm sáu tháng liên tiếp.
Đánh giá về chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, chuyên viên kinh tế Trinh Nguyễn của HSBC cho biết: Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà dần hồi phục. Chỉ số PMI của tháng 10 cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhờ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên, từ đó cho thấy rõ ̃sức cạnh tranh của quốc gia trong ngành sản xuất dựa nhiều vào lao động. Chỉ số việc làm đã tăng mạnh, một dấu hiệu tích cực cho triển vọng về nhu cầu trong tương lai của các nhà sản xuất.
Anh Tuấn