Như vậy, kể từ năm 2014 đến nay, đây là lần đầu tỉnh Hưng Yên năm trong Top 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, đến nay tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh là 531 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,7 tỷ USD, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau; trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng số 1 về số dự án với 173 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4 tỷ USD.
Hiện nay, có 169 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 3,258 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động, đóng góp ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 1.407 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 880 tỷ đồng, tương đương ,2 triệu USD.
Tỉnh Hưng Yên hiện tại đang có 17 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích đạt hơn 4.400 ha. Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long II có quy mô 345,2 ha do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) làm chủ đầu tư là điển hình cho việc thu hút FDI của tỉnh. Đến nay, khu công nghiệp này đã tiếp nhận trên 80 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ USD. Đặc biệt, Khu công nghiệp Thăng Long II đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mở rộng thêm 180,5 ha, nâng tổng diện tích Khu công nghiệp lên 525,7 ha. Đây là điều kiện để Khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án có vốn đầu tư lớn tại các khu công nghiệp. Đơn cử như Dự án Hoya với tổng vốn 214 triệu USD; Dự án của Nippon Mektron với tổng vốn 300 triệu USD, các dự án của Kyocera với tổng vốn 5 triệu USD, Dự án của Toto với tổng vốn đầu tư 403 triệu USD…
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trung tâm của vùng Đồng bằng sông Hồng đang phát triển rất nhanh và liền kề với thủ đô Hà Nội; hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông vận tải thương mại, dịch vụ, logistics, kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài, cảng quốc tế Hải Phòng và các trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp lớn của cả nước.
Đặc biệt, tỉnh hiện có nguồn lao động dồi dào, với trên 700.000 người ở độ tuổi lao động, chủ yếu là lao động trẻ, lao động đã qua đào tạo đạt trên 50%. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đây là những yếu tố giúp Hưng Yên trở thành điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài.
Dự kiến, các khu công nghiệp tại Hưng Yên tiếp tục tăng lên thời gian tới, đạt 30 khu công nghiệp với 9.540 ha đến năm 2030; ngoài ra còn có 25 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.200 ha và dự kiến tăng lên 52 cụm công nghiệp với diện tích 3.000 ha đến năm 2030.