Theo đó, các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lúa trong vụ đông xuân và hè thu; đồng thời, người dân được khuyến cáo ngưng sạ từ nay đến hết tháng 3/2017.
Nông dân kiểm tra tình trạng sâu bệnh hại lúa để có biển pháp phòng trừ hiệu quả. Ảnh : Đình Huệ/TTXVN. |
Thời vụ xuống giống hè thu năm 2017 được bố trí hợp lý đối với từng tiểu vùng, không tạo cầu nối cho rầy nâu, sâu năn tiếp tục gây hại trên lúa hè thu chính vụ. Thời vụ lịch xuống giống ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười từ 7 - 17/4/2017 (đợt 1); từ ngày 5 - 15/5/2017 (đợt 2).
Những diện tích bị sâu năn gây hại, tuyên truyền vận động người dân tiếp tục chăm sóc bằng cách bón phân cân đối NPK cho những chồi còn lại phát triển tốt tạo được nhiều hạt chắc trên bông để giảm thiệt hại.
Không bón thừa phân đạm và chất kích thích sinh trưởng ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh; tăng cường bón phân lân, kali; bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magie, silic để tăng cường sức đề kháng cho cây. Gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm công nghệ sinh thái , bón cân đối phân đạm…được áp dụng.
Theo thống kê vụ lúa đông xuân năm 2016 - 2017, sâu năn xuất hiện và gây hại nghiêm trọng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An với diện tích bị thiệt hại hơn 9.900 ha. Phần lớn tập trung tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.
Nguyên nhân bị thiệt hại bởi sâu năn là do lịch thời vụ gieo sạ của nông dân liên tục không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, thời tiết âm u, nhiều mây, trời mát và mưa kéo dài khiến các vùng trũng không chủ động được nước nên xuống giống muộn. Đồng thời, các trà lúa bị hại nặng do gieo sạ quá dày, bón phân không cân đối.
Tại tỉnh Bình Thuận, thời tiết diễn biến thất thường khiến nhiều diện tích lúa ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình xuất hiện bệnh rầy nâu, đạo ôn… gây hại. Hiện ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân phòng trừ, xử lý kịp thời, tăng cường công tác dự báo, thông báo tình hình sâu bệnh để nông dân chủ động xử lý.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.000 ha trong tổng số 34.410 ha lúa đông xuân đã được gieo sạ đang bị sâu bệnh hại. Trong đó, nhiều nhất là bệnh đạo ôn lá gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh với diện tích nhiễm 2.850 ha, tăng 1.633 ha so với cùng kỳ năm 2016.
Bệnh rầy nâu gây hại trên 530 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ. Diện tích còn lại bị gây hại bởi sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, sâu đục thân, bọ trĩ, ốc bươu vàng… Diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại tập trung tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Tân.
Trước nhận định, tình hình thời tiết se lạnh, nhiều sương sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng, đồng thời, dự báo trong những ngày tới, rầy nâu tuổi 3 - 4 sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Bình Thuận khuyến cáo bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh đúng cách, nhất là biện pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Việc theo dõi diễn biến rầy di trú từ những diện tích đã thu hoạch sang diện tích lúa vụ đông xuân 2016 - 2017 mới gieo sạ được thực hiện chặt chẽ, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để cháy rầy cục bộ.