Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực, có giá trị gia tăng cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng TFP (Năng suất nhân tố tổng hợp) trong cơ cấu GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Để cụ thể hoá mục tiêu trên, thành phố tập trung phát huy vai trò của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, là vùng động lực mới để phát triển kinh tế trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tiễn phát triển của thành phố. Tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế chia sẻ với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Phát triển kinh tế xanh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo thay cho năng lượng truyền thống.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, đô thị sáng tạo tương tác cao là các khu vực đô thị phát triển theo các cụm ngành kinh tế, tập trung trong một không gian địa lý. Bằng cách thu hút, bố trí các viện nghiên cứu, các ngành hoạt động công nghiệp, nuôi dưỡng những mạng lưới sản xuất, hợp tác và kết nối sẽ tăng sự tương tác và thành công của những ý tưởng mới, ra đời của việc làm kiểu mới tạo sự đột phá về kinh tế cho Tp. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics là thế mạnh của thành phố và có giá trị gia tăng cao; quy hoạch hạ tầng dịch vụ, dành diện tích đất thích hợp đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành. Hiện thành phố triển khai Đề án phát triển Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của đất nước và khu vực châu Á giai đoạn 2020 - 2030.
Bà Đặng Minh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện Tp. Hồ Chí Minh giữ vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của khu vực phía Nam. Tuy nhiên quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa áp dụng lối tiếp cận vĩ mô, chưa theo hướng đa phương tiện và đồng bộ. Để phát huy lợi thế vị trí của mình, Tp. Hồ Chí Minh cần hoạch định chiến lược phát triển, kích cầu logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn không chỉ của Tp. Hồ Chí Minh mà còn của cả khu vực phía Nam.
Theo bà Đặng Minh Phương, thành phố cần phân bổ quỹ đất để phát triển ngành logistics, kết nối các tuyến quốc lộ và đường nối dẫn tới các ICD (cảng cạn). Bên canh đó, thành phố cần chú trọng đến đầu tư công nhằm giảm thiểu kẹt xe trong nội thành thông qua các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến metro, cải tạo tuyến đường sắt, chú trọng phát triển hạ tầng cảng biển (90% hàng hóa xuất nhập khẩu nước ta bằng đường biển).
Trong khi đó, Tiến sỹ Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện Chính sách công, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh phân tích, Tp. Hồ Chí Minh không có thế mạnh về sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà chỉ là nơi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho các vùng lân cận trong khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Tp. Hồ Chí Minh vẫn có thể đảm nhận vai trò trở thành cửa ngõ xuất khẩu cho cả vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và cả của khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng phục vụ xuất khẩu của thành phố khá đầy đủ các loại hình và đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào về số lượng và tương đối về chất lượng, môi trường kinh doanh thuận lợi chính là lực hút các dự án đầu tư FDI phục vụ xuất khẩu.
Theo Tiến sĩ Đinh Công Khải, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của thành phố cũng chuyển dịch theo hướng gia tăng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số); tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hạ tầng, logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…). Đồng thời, chuẩn bị nền tảng về công nghệ và nguồn nhân lực để có thể sản xuất và xuất khẩu các nhóm ngành kỹ thuật liên quan đến điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, cụ thể là thiết kế, chế tạo dụng cụ sản xuất, linh kiện cho các ngành công nghiệp khác.
Triển khai các nội dung Nghị quyết khóa XI của Đảng bộ thành phố, UBND thành phố đang đẩy nhanh việc xây dựng các nhóm chương trình phát triển Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới theo hướng: đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, nhất là việc dẫn dắt, thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và bắt kịp nhu cầu xã hội, thị trường quốc tế; đột phá trong phát triển hạ tầng, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cùng các sản phẩm chủ lực của thành phố, chương trình phát triển nguồn nhân lực và phát huy văn hóa của Tp. Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu, từ đó làm nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp khác. Tập trung vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ giải trí về biển; kinh tế cảng, hàng hải; khai thác năng lượng từ biển; quy hoạch phát triển bền vững các khu vực sản xuất nuôi trồng và đánh bắt hải sản.
Thực hiện chủ đề năm 2021 là “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã nêu ra yêu cầu “5 có” cho nâng cao, cải thiện môi trường đầu tư. Đó là có thời hạn giải quyết; có người chịu trách nhiệm; có sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng quy trình quản lý và đánh giá thực hiện quy trình; có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội; cuối cùng là có chế tài và khen thưởng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, để có kết quả tích cực, trong năm 2021, trước hết là xác định và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành thành phố trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, UBND thành phố duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả của Tổ công tác đầu tư trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Xây dựng triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt cải cách thủ tục hành chính có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.
Mặt khác, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp mạnh mẽ cải thiện CPI (chỉ số giá tiêu dùng) nhất là các chỉ tiêu thành phần còn hạn chế như chi phí gia nhập thị trường, tính năng động của chính quyền, khả năng tiếp cận đất đai, hiệu quả thực thi các cam kết pháp lý…
Đối với lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, thành phố tập trung thu hút có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, thành phố cũng đang tập trung đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Với những định hướng và triển khai các giải pháp cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực phát huy các lợi thế sẵn có, đồng thời hình thành các động lực, cơ sở phát triển kinh tế mới theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, bền vững, đột phát mạnh mẽ hơn trong những năm tới.