Từ khi triển khai đến nay, các điểm bơm chuyền hai, ba cấp kể trên đã thực hiện hàng trăm nghìn giờ bơm chống hạn, cứu lúa phục vụ trên 8.800 ha vụ Đông Xuân tại những địa bàn khó khăn nhất. Đồng thời, đắp 18 đập tạm đầu các tuyến kênh ở 8 xã ven đê là: Tân Phước, Gia Thuận, Kiểng Phước, thị trấn Vàm Láng, Tân Điền, Tăng Hòa và Phước Trung phục vụ công tác bơm trữ nước trên ruộng cho nhân dân tưới tiêu.
Ngoài ra, để đảm bảo phục vụ sản xuất lâu dài, nâng cao hiệu quả phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, trong mùa khô 2020, huyện Gò Công Đông còn tập trung thi công 20 công trình thủy lợi nội đồng, 2 cống ngăn mặn, tổng kinh phí khoảng 7,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cũng triển khai hàng chục thuyền bơm lưu động tại các tuyến kênh Sơn Qui, kênh Champeaux, kênh Trần Văn Dõng bơm bổ cấp hỗ trợ địa phương đưa nguồn nước ngọt về các xã ven biển chống hạn cứu lúa.
Hiện nay, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại Tiền Giang đang diễn biến phức tạp khiến hàng chục nghìn ha lúa Đông Xuân của huyện ven biển Gò Công Đông có nguy cơ thiệt hại nặng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, trong vụ Đông Xuân 2019 – 2020, nông dân địa phương xuống giống trên 10.141 ha và gần 550 ha rau màu các loại. Đa phần trà lúa Đông Xuân của địa phương đang vào giai đoạn đòng – trổ, cần nhiều nước để phát triển nếu không sẽ thất thu.
Qua ghi nhận thực tế, do mặn trong những ngày qua theo hai tuyến sông Tiền và sông Vàm Cỏ lấn sâu vào thượng lưu, bao vây tứ phía nên các cống lấy ngọt trong dự án ngọt hóa Gò Công lâu nay cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng duyên hải Gò Công phải đóng ngăn mặn triệt để. Còn trong nội đồng, các kênh trục, kênh nhánh, kênh sườn đưa nước về phục vụ sản xuất huyện ven biển Gò Công Đông trong mấy ngày qua bị bơm vét tối đa để phục vụ tưới tiêu nên nguồn nước đã hết, cạn trơ đáy.
Chỉ ở những nơi có điều kiện còn duy trì những máy bơm nhỏ tận dụng cơ hội vét chút nước còn lại để cầm hơi cho cây lúa, hoa màu qua mùa khô hạn khốc liệt năm nay. Trước tình hình trên, trong khi chờ đợi được bổ cấp nguồn nước khi cống Xuân Hòa phía đầu nguồn dự án ngọt hóa Gò Công có thể lấy ngọt đưa vào nội đồng ứng cứu, huyện Gò Công Đông thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; giữ gìn vệ sinh nguồn nước; không bơm chuyền trữ nước trên ruộng khi cây lúa chưa có nhu cầu sử dụng nước... nhằm giảm nguy cơ thiệt hại cho sản xuất Đông Xuân tại đây trong mùa khô hạn khắt nghiệt 2020.