Hy Lạp cảnh báo khả năng ra khỏi Eurozone

Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đã lần đầu tiên cảnh báo về khả năng quốc gia này có thể trải qua một lối thoát “đau đớn” khi phải ra khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) hay thậm chí Liên minh châu Âu (EU), nếu Athens không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế.

Ngân hàng này nói rằng việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái trầm trọng, thu nhập sụt giảm mạnh và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Nam Âu này lên cao. Tiền gửi ngân hàng tại Hy Lạp đã giảm gần 30 tỷ euro xuống 128 tỷ euro trong giai đoạn từ tháng 12/2014 đến tháng 4/2015. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về vấn đề giải ngân nốt khoản tiền 7,2 tỷ euro (8,1 tỷ USD) còn lại trong gói cứu trợ quốc tế lớn dành cho Hy Lạp hiện vẫn rơi vào bế tắc, trong bối cảnh hạn chót phải thanh toán nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đến gần.

Mọi con mắt đều đổ dồn về cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính 19 nền kinh tế Eurozone diễn ra ngày 18/6 tại Luxembourg, song một số quan chức, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis không hề trông đợi cuộc họp này sẽ tạo ra bước đột phá nào trong giải quyết bất đồng với Hy Lạp, trong bối cảnh việc thực hiện cải cách để đổi lấy tiền cứu trợ đang rơi vào bế tắc.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Hy Lạp tại Athens. Ảnh: Reuters


Khi được hỏi liệu cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone ở Luxembourg có khả năng đạt được một thỏa thuận nào hay không, ông Varoufakis trả lời: “Việc có đạt được thỏa thuận nào hay không hiện phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà lãnh đạo chính trị”.

Trong một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo tài chính hàng đầu của EU đang nghiêm túc xem xét vấn đề “Grexit” (tức khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone), người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann cho rằng điều này sẽ làm “thay đổi tính chất của liên minh tiền tệ này” song không thể phá hủy liên minh này.

Nhấn mạnh những lo ngại toàn cầu ngày càng lớn về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cảnh báo kinh tế thế giới có thể chứng kiến giai đoạn bất ổn đáng kể, nếu Hy Lạp và các chủ nợ không đạt được một thỏa thuận.

Đắc cử nhờ đưa ra cương lĩnh chống “thắt lưng buộc bụng” hồi tháng 1/2015, ngày 17/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cảnh báo rằng việc EU kiên quyết thúc ép Hy Lạp về vấn đề cắt giảm tiền lương hưu sẽ nhấn chìm mọi hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ.

Thủ tướng Tsipras cho biết chính phủ của ông đã làm hết sức có thể để đáp ứng yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về vấn đề tăng thuế và cải cách lương hưu. Phát biểu sau một cuộc họp với Thủ tướng Áo Werner Feymann, một trong số ít những nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ Hy Lạp trong các cuộc đàm phán, ông Tsipras nói: “Không thể cắt giảm lương hưu hơn nữa mà không gây ảnh hưởng tới phần cốt lõi của hệ thống. Nếu châu Âu khăng khăng phải thực hiện sự cắt giảm này, thì châu Âu phải chấp nhận cái giá rằng không ai ở châu Âu sẽ được hưởng lợi từ việc này”.

Theo kế hoạch, ông Tsipras tới tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới St Petersburg ngày 18/6 và có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/6. Mặc dù Chính phủ Nga nhấn mạnh rằng Hy Lạp chưa bao giờ đề nghị hỗ trợ tài chính trực tiếp, song các nhà quan sát nhận định ông Tsipras đang cố gắng gửi thông điệp tới châu Âu rằng ông vẫn còn các "con bài" khác trong tay.
TTXVN/Tin tức
Hy Lạp sẵn sàng đàm phán với chủ nợ
Hy Lạp sẵn sàng đàm phán với chủ nợ

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với các chủ nợ quốc tế, song Athens không thể nhượng bộ thêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN