Ngày 8/7, Hội nghị Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về việc giải ngân khoản tiếp theo trị giá 8,1 tỷ euro (10,5 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp. Theo báo cáo của nhóm "Bộ ba" các nhà tài trợ, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thu ngân sách Hy Lạp vẫn tiếp tục giảm do suy thoái, chính phủ không kịp giảm chi tiêu để có thể đạt thâm hụt ở mức cần thiết. Chính Athens cũng cho biết từ nay đến cuối năm, họ không kịp cắt giảm 4.000 viên chức trong chương trình giảm chi tiêu chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhiều khả năng EU sẽ thực hiện sáng kiến của Ủy viên châu Âu phụ trách tài chính và ngoại tệ Olli Rehn chia nhỏ gói cứu trợ này thành nhiều phần nhằm thúc đẩy Hy Lạp khẩn trương và kiên quyết hơn trong các cải cách theo yêu cầu của EU. Tuy nhiên, nếu tính đến thực tế Hy Lạp chỉ sống nhờ nguồn vay nước ngoài kể từ tháng 5/2010 đến nay, có thể nói chắc rằng các nhà tài trợ sẽ khó từ chối Athens nếu không muốn EU rơi vào tình trạng phá sản, một diễn biến rất có thể sẽ nhấn chìm khu vực đồng euro vào khủng hoảng sâu trở lại.
Trước đó, ngày 7/7, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế về kế hoạch giải ngân tiếp theo gói cứu trợ cho nước này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, hai bên bày tỏ hy vọng sẽ đi đến thỏa thuận cuối cùng ngay trước khi diễn ra Hội nghị Eurogroup vào ngày 8/7.
Phát biểu sau khi kết thúc đàm phán, ông Paul Thomsen, đại diện của IMF tại cuộc đàm phán, và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết hai bên đều "hy vọng" đạt được thỏa thuận cuối cùng ngay trước thềm hội nghị của Eurogroup.
Theo các nhà quan sát, cuộc đàm phán về kế hoạch giải ngân 8,1 tỷ euro trong gói cứu trợ cho Hy Lạp vào cuối tháng này diễn ra hết sức phức tạp do hai bên chưa nhất trí về giải pháp lấp "lỗ hổng" tài chính cũng như việc Athens không đáp ứng được thời hạn chót do nhóm "bộ ba" chủ nợ đề xuất đưa 12.500 nhân viên thuộc khu vực công vào kế hoạch "lưu động", theo đó sẽ luân chuyển hoặc sa thải trong vòng một năm. Ngoài ra, xứ sở "Thần thoại" cũng chưa đạt mục tiêu trong chương trình tư nhân hóa và cải cách khu vực nhà nước theo điều kiện của nhóm chủ nợ này.
Hiện Hy Lạp đang cần tiền để thanh toán khoản nợ trái phiếu chính phủ trị giá 2,2 tỷ euro vào tháng 8 tới.
Trong khi đó, Hội đồng tối cao công đoàn khu vực nhà nước tuyên bố tiến hành cuộc đình công vào ngày 8/7 tại thủ đô Athens để phản đối kế hoạch của chính phủ sa thải 12.500 công nhân viên chức. Cũng trong ngày 8/7, chính quyền các thành phố ở Hy Lạp sẽ ngừng làm việc, trong khi cảnh sát các thành phố tiếp tục đình công tới ngày 9/7. Tổ chức công đoàn này nhấn mạnh tại Hy Lạp, nơi tỉ lệ thất nghiệp lên tới 30% lực lượng lao động và 60% trong giới trẻ, phúc lợi xã hội thường xuyên bị xóa bỏ, Chính phủ đang áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp và bần cùng hóa xã hội Hy Lạp.
Cũng trong ngày 8/7, Liên minh trung ương các công đoàn thị chính Hy Lạp thông qua quyết định đóng cửa tất cả các tòa thị chính, và sẽ đánh giá tình hình sau cuộc gặp của đại diện các công đoàn với Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp và Bộ trưởng Cải cách hành chính và Chính phủ điện tử.
Trước đó, ngày 7/7, một nhóm biểu tình phản đối sa thải hàng loạt trong khu vực nhà nước đã tấn công Thị trưởng Aten Georgios Caminis. Báo chí cho biết Thị trưởng không bị chấn thương nghiêm trọng.
TTXVN/Tin tức