Hồi đầu năm nay, cơ quan giám sát năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp) này đã công bố báo cáo Triển vọng Năng lượng thế giới thường niên để định hướng cho Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11 tới. IEA nêu rõ: "Thế giới đầu tư chưa đủ để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai. Những chi tiêu liên quan công tác chuyển đổi đang tăng dần lên, nhưng vẫn chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu cũng đang ngày một càng tăng cao về các dịch vụ năng lượng bền vững. Các tín hiệu rõ ràng và sự chỉ đạo từ các nhà hoạch định chính sách là điều rất cần thiết".
IEA đánh giá COP26 là "bài kiểm tra đầu tiên về sự sẵn sàng của các quốc gia trong việc đưa ra những cam kết mới mẻ và tham vọng hơn theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015", đồng thời là một cơ hội để phát đi "tín hiệu không thể nhầm lẫn" nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trên toàn thế giới.
Trong những tuần gần đây, giá điện thế giới nói chung đã tăng lên mức kỷ lục, trong bối cảnh giá dầu và giá khí đốt tự nhiên đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Tình trạng thiếu hụt năng lượng đang "nhấn chìm" châu Á, châu Âu và Mỹ. Nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch cũng đang phục hồi khi các chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19.
IEA cảnh báo rằng những năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, gió và thủy điện cùng năng lượng sinh học cần chiếm một tỷ trọng lớn hơn nữa trong sự phục hồi đầu tư vào năng lượng sau đại dịch COVID-19. Cơ quan này lưu ý rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng góp hơn 2/3 công suất điện mới trong năm nay, tuy nhiên mức tăng đáng kể trong việc sử dụng than đá và dầu mỏ cũng sẽ làm gia tăng lượng khí thải CO2 gây ra biến đổi khí hậu. IEA nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh hơn sẽ bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng trong tương lai.
Theo IEA, quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch tuy đã đạt tiến bộ, nhưng chưa đủ nhanh để thế giới có thể giới hạn tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đại dịch COVID-19 ban đầu đã làm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động kinh tế gián đoạn, song có lẽ dịch bệnh không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Năng lượng tái tạo hiện là nguồn cung cấp điện lớn thứ hai cho thế giới, chiếm tỷ lệ 26% (vào năm 2019), sau than đá nhưng trên khí đốt tự nhiên và hạt nhân. Năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời đều tăng với tỷ lệ hằng năm lần lượt đạt 22% và 36% do giá các loại năng lượng này giảm dần kể từ năm 1990. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tiêu dùng cuối cùng (điện, nhiên liệu vận tải, sưởi ấm và hoạt động sản xuất tại nhà máy) vẫn không thay đổi. Theo dữ liệu thống kê, nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch chiếm 80,3% vào năm 2009 và đến năm 2019 vẫn ở mức 80,2% do tổng tiêu thụ năng lượng tăng khi dân số cũng như thu nhập ở châu Á tăng lên.