Trong bài phát biểu tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington (Mỹ), bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh: "Nợ công tại các nền kinh tế phát triển đang ở mức cao chưa từng thấy kể từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi nợ công tại các nền kinh tế mới nổi tương đương mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng nợ những năm 1980".
Theo người đứng đầu IMF, sự gia tăng nợ công gần đây tại các nền kinh tế phát triển phần lớn là do chính sách ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gây ra từ sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers Holdings Inc. của Mỹ hồi năm 2008.
Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva cho rằng tại các nước đang phát triển, tình trạng nợ công tăng phản ánh tác động từ sự sụt giảm mạnh mẽ giá hàng hóa, thiên tai, xung đột nội bộ và những khoản đầu tư lớn vào các dự án không hiệu quả. Trong báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái, IMF cho biết tổng nợ công toàn cầu năm 2017 là 184.000 tỷ, mức cao kỷ lục tại thời điểm đó.
Bà Kristalina Georgieva kêu gọi sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các quốc gia đi vay và cho vay nhằm cải thiện những quy định về hợp đồng vay, có thể giúp giảm bớt những rủi ro và tăng tính trách nhiệm.
Trong báo báo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019 công bố mới đây, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3% năm 2019 và 3,4% năm 2020.
Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 trong khi các xung đột thương mại gia tăng làm giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh. IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang đồng thời trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi không chắc chắn. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath khẳng định triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh.