Tại Phiên điều trần trước Ủy ban IV của Hạ viện (DPR), Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia, Kasdi Subagyono cho biết mục tiêu của sản xuất hàng hóa chính là 55,20 triệu tấn lúa (dry unhusked), 20 triệu tấn đối với ngô và 20 triệu tấn đối với đậu tương.
Bên cạnh đó, nước này cũng đặt mục tiêu sản xuất các mặt hàng khác như 780 nghìn tấn ca cao, 1,64 triệu tấn hành, 795,45 nghìn tấn cà phê, 2,87 triệu tấn ớt, 2,3 triệu tấn đường, 91 nghìn tấn tỏi và 0,44 triệu tấn thịt bò.
So với năm 2020, mục tiêu sản xuất lúa vào năm 2022 chỉ tăng nhẹ. Theo Cơ quan Thống kê (BPS), sản lượng gạo chưa xát vỏ của Indonesia ở mức 54,65 triệu tấn, tương đương 31,33 triệu tấn gạo vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu năm 2022, Bộ Nông nghiệp Indonesia sẽ phân bổ 14,451 nghìn tỷ rupiah từ ngân sách, bao gồm 6,49 nghìn tỷ rupiah cho chương trình tiêu dùng và dự trữ lương thực có chất lượng, 1,73 nghìn tỷ rupiah cho chương trình giá trị gia tăng công nghiệp và năng lực cạnh tranh, 356 tỷ rupiah cho chương trình nghiên cứu và đổi mới, 770 tỷ rupiah cho chương trình giáo dục và đào tạo nghề và 5,09 nghìn tỷ rupiah cho chương trình hỗ trợ quản lý.
Tổng thư ký Bộ Nông nghiệp Indonesia Kasdi Subagyono cho biết các chương trình ưu tiên là nâng cao chất lượng dự trữ lương thực, khả năng tiếp cận và tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng, cơ hội việc làm và đầu tư vào lĩnh vực thực và công nghiệp hóa. Bộ Nông nghiệp Indonesia cũng đang tập trung vào việc tăng cường hệ thống giống cho cây lương thực, trồng trọt và chăn nuôi, bên cạnh việc tăng sản lượng rau và các sản phẩm từ trồng rừng.