Ông Zanganeh cho biết Iran đã đề ra một kế hoạch nhằm ứng phó với những đe dọa của ông Trump và rằng kế hoạch này đang được thực hiện thành công. Người đứng đầu Bộ Dầu mỏ Iran cũng chỉ trích việc Mỹ gây sức ép để Saudi Arabia tăng sản lượng, cho rằng những nỗ lực như vậy sẽ gây bất ổn cho các thị trường. Ông Zanganeh nói thêm việc gây áp lực như vậy đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó cả Saudi Arabia và Iran là những thành viên sáng lập.
Các nguyên tắc của OPEC sẽ không bao giờ cho phép các sức ép chính trị làm thay đổi những định hướng của thị trường. Ông Zanganeh cảnh báo rằng điều này sẽ chỉ phá vỡ thị trường bằng cách làm gia tăng những quan ngại trong các nước sản xuất bởi họ nhận thấy chủ quyền của mình bị đe dọa do sức ép của Mỹ.
Tổng thống Trump mới đây nói rằng Saudi Arabia đã nhất trí tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày để hạ nhiệt giá dầu trên thị trường quốc tế. Điều này được xem là một phần trong chiến dịch chính trị của Mỹ nhằm gây sức ép để Saudi Arabia tăng nhanh sản lượng nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran sau khi Mỹ dọa đưa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehrran trở về "con số không".
Trước đó ngày 6/7, các quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), tuyên bố ủng hộ quyền xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Iran, bất chấp sự đe dọa trừng phạt từ Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ba cường quốc châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc khẳng định trong một tuyên bố chung với Iran rằng họ vẫn giữ cam kết duy trì quan hệ kinh tế với Iran, trong đó có "việc Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt" cũng như các sản phẩm năng lượng khác.