Ngày 3/2, Bộ Tài chính đã công bố kết quả kiểm tra, nắm tình hình kê khai giảm giá cước tại một số địa phương phía Nam.Theo đó, các đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ba đợt giảm giá cước vận tải. Cụ thể, trong đợt 1 (từ 18/7 đến ngày 15/12/2014), hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện việc kê khai lại giá cước.
Cán bộ Thanh tra giao thông kiểm tra xe taxi đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thanh Phàn-TTXVN |
Trong đó, 25/26 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước với mức giảm từ 500 - 1.000 đồng/km (từ 3-9%), 1 doanh nghiệp mới thành lập nên hiện nay vẫn chưa có đầu xe hoạt động. 47/57 doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai lại giá cước; trong đó 42 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước với mức giảm từ 2-14%, 10 doanh nghiệp chưa đăng ký kê khai lại với Sở Tài chính.
Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thành phố thành lập đoàn kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy 2/10 doanh nghiệp không còn hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, 8/10 doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ theo hình thức gia đình với số lượng từ 1 đến 3 đầu xe và đến nay, đã kê khai giảm giá cước với Sở Tài chính.
Đợt 2 (từ 16/12/2014 đến ngày 21/1/2015), đã có 12/20 doanh nghiệp taxi kê khai giảm giá cước lần 2 với mức đăng ký mới giảm giá từ 2,7-14,3% (giảm từ 500-1.500 đồng/km); trong đó có các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (80% thị phần) trong ngành taxi như: taxi Mai Linh, taxi Vinasun, taxi Phương Trang).
Bên cạnh đó, có 35/55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai giảm giá cước lần 2 với mức giảm từ 3,2-18,5% cho tất cả các tuyến. Đối với các doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá lần 2, Sở Tài chính sẽ tính toán tỷ lệ giảm giá xăng, dầu để đề nghị các doanh nghiệp giảm giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng, dầu.
Đợt 3 (từ 21/1/2015 đến hết ngày 30/1/2015), hầu hết các doanh nghiệp đã kê khai giảm giá; trong đó có 14/20 doanh nghiệp taxi kê khai lại giá cước lần 3 với mức đăng ký mới giảm giá từ 2,8-13,3% (giảm từ 500-2.000 đồng/km); trong đó có các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn.
Bên cạnh đó, có 6 doanh nghiệp chưa kê khai lại; 44/55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai lại giá cước lần 3 với mức giảm từ 3-10% cho tất cả các tuyến. Đối với các doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá, Sở Tài chính cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại các doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá từ ngày 2/2/2015.
Trên địa bàn Đồng Nai, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 2 đợt tại các đơn vị kinh doanh vận tải. Qua kiểm tra, các đơn vị đều đã chấp hành quy định kê khai lại mức giá cước theo hướng giảm giá từ 3 đến 20%.
Trên địa bàn An Giang, đến hết tháng 1/2015, đã có 30/39 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ôtô đã thực hiện kê khai, kê khai lại giá cước tại Sở Tài chính. Còn tại Kiên Giang, đến ngày 15/1, có 34/34 doanh nghiệp đã thực hiện kê khai lại giá.
Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, với các văn bản chỉ đạo quyết liệt của Liên Bộ Tài chính-Giao thông cũng như của UBND các tỉnh, thành phố, công tác kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước theo diễn biến giảm giá nhiên liệu được tăng cường và bước đầu đem lại hiệu quả.
Một số doanh nghiệp đã chủ động kê khai giảm giá cước đợt 3. Một số loại hình vận tải khác (vận tải hàng hoá, vận tải đường thuỷ, vận tải thuỷ bộ, vận tải theo hình thức hợp đồng,...) đang được một số địa phương xem xét đưa vào danh mục kê khai giá tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc kê khai, kê khai lại giá hoặc chậm kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giá nhiên liệu. Qua kết quả kiểm tra và nắm tình hình của các Đoàn công tác tại một số địa phương, Bộ Tài chính kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn.
Đối với một số địa phương như Hà Nội, Hòa Bình vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc kê khai giảm giá cước phù hợp với giảm giá nhiên liệu, Bộ Tài chính có văn bản trực tiếp đôn đốc các địa phương này.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, ngày 3/2, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 1723/BTC-QLG /2015 đề nghị UBND các địa phương tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai, kê khai lại giá phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế và quản lý tài chính; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp này phải thực hiện ngay việc kê khai giảm giá cước so với thời điểm kê khai trước liền kề phù hợp với phù hợp với mặt bằng mới của các yếu tố đầu vào và giá xăng dầu tính đến tháng 1/2015.
Trong đó cần chốt ngày thực hiện sớm nhất và phải trước thời điểm cao điểm vận tải phục vụ Tết Nguyên đán 2015. Thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách doanh nghiệp chậm kê khai giảm giá cước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình kê khai của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với giá cước vận tải hàng hóa (bao gồm vận tải container), đề nghị cân nhắc việc bổ sung giá cước vận tải hàng hóa vào danh mục dịch vụ kê khai giá theo thẩm quyền nhằm kiểm soát có hiệu quả việc giảm giá cước vận tải hàng hóa phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế xã hội.
Thuỳ Dương (TTXVN)