Tuy nhiên, quá trình vận hành hệ thống này đã phát sinh một số bất cập và lỗi kỹ thuật cần khắc phục để tạo điều kiện cho người dân tham gia giao thông.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện tại trên toàn quốc đã có 111 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng gồm 76 trạm thuộc dự án thu phí tự động giai đoạn 1-BOO1 do Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cung cấp dịch vụ và 35 trạm thuộc dự án thu phí tự động giai đoạn 2- BOO2 do Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp dịch vụ.
Đến nay, hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 đã được kết nối để đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua tất cả các trạm thu phí trên toàn hệ thống.
Thông tin về số lượng triển khai dán thẻ đầu cuối (E-tag, E-pass), ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, tính đến hết tháng 5/2021, trên toàn quốc đã triển khai dán được khoảng 1,7 triệu phương tiện dán thẻ E-tag (của VETC) và thẻ E-pass (của VDTC).
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết: Bộ Giao thông vận tải đã cùng các nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT mở rộng nhiều điểm dán thẻ đầu cuối trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, kết nối liên thông hệ thống thu phí không dừng đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần dán 1 thẻ đầu cuối có thể đi qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Đồng thời, phát triển nhiều hình thức nạp tiền vào tài khoản giao thông thông qua hệ thống ví điện tử, chuyển tiền điện tử, nạp tiền qua tin nhắn... bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, dự án đã về đích đúng hạn nhưng hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn gặp một số trục trặc gây phiền hà cho người sử dụng. Vì vậy, cần có những giải pháp sớm hoàn thiện để thu hút người dân tham gia một cách tự nguyện bằng sự hài lòng của dịch vụ này.
Theo phản ánh của nhiều lái xe, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động đại trà, hệ thống ETC liên tục phát sinh lỗi. Trên các diễn đàn mạng chuyên về ô tô, rất nhiều người bày tỏ bức xúc trước việc đã dán thẻ, nạp tiền vào tài khoản nhưng không giao dịch được hoặc bị trừ nhầm tiền… Thậm chí, một số lái xe cho biết, nhiều trường hợp xe qua trạm thu phí đầu vào nhưng tại đầu ra không giao dịch được (xe bị trừ tiền nhưng barie không mở), vì trên hệ thống ETC không có dữ liệu.
Cá biệt, có trường hợp xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền hoặc bị trừ tới 2 lần tiền cho 1 lần qua trạm, nhưng khi chủ xe liên lạc với đơn vị thu phí để yêu cầu hoàn trả thì thủ tục còn khó khăn…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ thừa nhận, do đây là hình thức thu phí mới, công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể: nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư BOT, ngân hàng cung cấp tín dụng, chủ các phương tiện tham gia giao thông nên bước đầu trong quá trình vận hành không tránh khỏi tồn tại, hạn chế…
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, qua phản ánh của cơ quan báo chí, các nhà đầu tư và các chủ xe cho thấy, một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng... không thanh toán được bằng hình thức thu phí tự động không dừng.
Cụ thể với những lỗi đọc thẻ của thiết bị ETC, ông Nguyễn Viết Huy nhận định nguyên nhân có thể do quá trình dán thẻ cho khách hàng bị lỗi, dán ở các vị trí không đảm bảo về mặt kỹ thuật, không kiểm tra chất lượng đọc thẻ sau khi dán. Các lỗi này thường gặp tại các trạm triển khai giai đoạn 2 (BOO2)… Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra việc quản lý, vân hành hệ thống ETC trên toàn quốc. Qua kiểm tra sẽ có những hướng chỉ đạo các nhà đầu tư đưa ra giải pháp khắc phục.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, ngay sau khi nhận được phản ánh về các lỗi phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống ETC, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân lỗi và khắc phục ngay trong vòng 6-24h.
Đối với các lỗi vận hành, Tổng cục đã chỉ đạo bộ phận giám sát hậu kiểm của nhà cung cấp dịch vụ xác định lỗi, hướng dẫn nhân viên quy trình khắc phục hoàn trả tiền cho chủ xe nếu thu nhầm, bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ với chủ xe để giải thích.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng khẳng định, Tổng cục đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên, tăng cường truyền thông về thu phí tự động không dừng, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi của khách hàng và kịp thời xử lý, tránh gây bức xúc cho khách hàng.
“Ngay sau khi tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải đi kiểm tra và chỉ ra các lỗi của hệ thống ETC cần khắc phục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Thu phí tự động -VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam –VDTC khẩn trương hoàn thiện, thống nhất và ban hành Quy chế phối hợp, vận hành hệ thống ETC” ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu hai công ty này phối hợp với các nhà đầu tư BOT để khẩn trương khắc phục lỗi đối soát, lỗi kết nối; cử nhân viên kỹ thuật trực tại các trạm để hỗ trợ kỹ thuật khi phát sinh lỗi. Đối với các lỗi phát sinh, các bên cần lập biên bản xác nhận lỗi; trong đó cần thống nhất thời gian, biện pháp khắc phục.
Đặc biệt, đối với 35 trạm thu phí triển khai hệ thống thu phí không dùng giai đoạn 2 (BOO2) còn nhiều lỗi cần khắc phục, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam –VDTC khẩn trương chấn chỉnh việc dán thẻ đầu cuối; rà soát, kiểm tra lại thẻ của các phương tiện thường xuyên bị lỗi không đọc được để dán lại; rà soát các thông số sao lưu dữ liệu tại trạm thu phí…
Ông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định, sau một thời gian vào cuộc của các đơn vị chuyên môn, đến thời điểm này, theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các hệ thống thu phí điện tử không dừng đã vận hành ổn định, không còn các lỗi kỹ thuật nghiêm trọng. Tuy nhiên, có thể vẫn phát sinh một số trường hợp đặc thù nhưng các nhà cung cấp dịch vụ khẳng định sẽ khắc phục ngay khi có sự cố.
Để tiếp tục phát triển hệ thống thu phí điện tử không dừng cũng như phát huy tối đa hiệu quả hệ thống, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ sẽ tăng cường việc tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong quá trình vận hành hệ thống, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.