Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1992), mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã trải qua nhiều thử thách của thời gian, biến động thế giới và khu vực để được nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược vào năm 2019 và đạt được những thành quả tích cực.
Trong tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước, kinh tế luôn là trụ cột quan trọng. Nhiều năm qua, Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và những thành tựu về kinh tế mà hai bên đã đạt được phần lớn nhờ vào cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc là một trong những cộng đồng doanh nghiệp có số lượng đông đảo nhất với hơn 2.000 doanh nghiệp và con số này vẫn không ngừng gia tăng.
Theo ông Võ Văn Hoan, trong 2 năm vừa qua, thế giới phải đối mặt với đại COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. TP Hồ Chí Minh cũng hứng chịu nhiều tác động tiêu cực nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để tập trung cho giai đoạn phục hồi kinh tế song song với hội nhập quốc tế.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và chủ trương thu hút đầu tư theo hướng chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ hiện đại…Tuần lễ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp hai nước giới thiệu công nghệ, sản phẩm, chia sẻ thông tin và thiết lập thêm nhiều quan hệ hợp tác mới.
Ông Kim Tae Ho, Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác kinh tế và thương mại Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết: Mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã được củng cố trong suốt 30 năm qua, cùng nhau vượt qua khủng hoảng COVID-19, hiện nay hai nước đã trở thành đối tác quan trọng không thể thiếu của nhau trong quá trình phát triển.
Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, là điểm đến đầu tư lớn nhất trong khối các quốc gia Đông Nam Á. Ngược lại, Hàn Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3, và là quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lũy kế đến hiện tại lớn nhất với hơn 9.000 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
"Tuần lễ Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra trong 3 ngày từ 31/10-2/11, tập trung vào các hoạt động giao xúc tiến thương mại trực tiếp B2B trong các lĩnh vực công nghệ thân thiện môi trường, trang trại thông minh, y tế thông minh; hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tại khu vực phía Nam; khảo sát thực địa một số khu công nghiệp lân cận TP Hồ Chí Minh… Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường mở rộng nền tảng hợp tác trong những lĩnh vực dẫn dắt phát triển kinh tế của hai nước thời gian tới và nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.", ông Kim Tao Ho chia sẻ thêm.
Ông Kwak Sungil, Giám đốc Ban Chiến lược Kinh tế và An ninh Viện chính sách Kinh tế Quốc dân Hàn Quốc (KIEP) thông tin: Trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp tối ưu để ứng phó với các thách thức mới như môi trường xanh, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ thông minh…
Theo phân tích của ông Kwak Sungil, mặc dù, kết quả đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt bước tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới trong mối quan hệ hợp tác và tác động từ những bất ổn toàn cầu. Điển hình như: các khủng hoảng về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đứt gãy chuỗi cung ứng; sự tập trung quá mức vào một số sản phẩm nhất định dẫn đến mất cân bằng trong cơ cấu thương mại; hợp tác đầu tư và thương mại phát triển nhưng mức độ chuyển giao công nghệ còn thấp so với các quốc gia xung quanh.
“Để hướng tới hợp tác phát triển bền vững song phương, Việt Nam - Hàn Quốc cần xây dựng quan hệ đối tác tin cậy và cân bằng. Theo đó, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thể chế, cải thiện mức độ tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước, nâng cao tính minh bạch về quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường đầu tư bình đẳng.
Đồng thời, hai nước hợp tác hình thành chuỗi giá trị khu vực thông qua cải thiện năng lực sản xuất cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển ngành công nghiệp phụ tùng, phụ liệu; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp mới như kinh tế kỹ thuật số, năng lượng…”, ông Kwak Sungil đề xuất.