Kinh doanh đa cấp là một phương thức được nhiều nước trên thế giới thừa nhận và Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) cũng cam kết cho phép và thừa nhận hoạt động này.
Hiện nay, với hoạt động kinh doanh đa cấp ở nước ta có những diễn biến phức tạp, với nhiều vụ lừa đảo, gây bất ổn trong xã hội. Mặc dù, Việt Nam cũng có những quy định pháp luật quản lý kinh doanh đa cấp khá hoàn chỉnh so với quốc tế, thậm chí cũng đã sửa đổi theo hướng thắt chặt hơn nhưng vẫn không kiểm soát được.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện đã có những quy định pháp luật để cho phép, đồng thời quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tương đối hoàn chỉnh.
Cụ thể, trên thế giới quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp cấm những hoạt động như: kinh doanh theo hình thức kim tự tháp, cấm việc buộc người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả tiền để mua số lượng hàng nhất định, cấm doanh nghiệp sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính... thì cũng đã có những quy định tương tự và thậm chí còn chặt chẽ hơn.
Ví dụ như việc mở hội nghị, hội thảo, đào tạo có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên phải thông báo với Sở Công Thương. Cơ quan quản lý tại địa phương có quyền kiểm tra, giám sát việc tổ chức của doanh nghiệp. Tính đến đầu tháng 12, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ thông báo tổ chức trên 900 hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mặc dù đã được sửa đổi theo hướng thắt chặt quản lý nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được những hình thức lách luật tinh vi của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo.
Nguyên nhân là việc tư vấn được thực hiện bằng cách tuyên truyền trực tiếp từ người này đến người khác hoặc qua hội nghị, hội thảo thường tổ chức vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính… tại khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Thậm chí, người bán hàng đa cấp đến tại nhà để chào mời, nên gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thông tin.
Những năm qua, Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan liên quan của thành phố đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động tại địa bàn Hà Nội.
Thống kê cho thấy, năm 2016 xử lý 32 doanh nghiệp, với tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng; năm 2017 xử lý 8 doanh nghiệp với số tiền phạt 1 tỷ đồng; năm 2018 đã thanh tra đối với 8 doanh nghiệp bán hàng đa cấp; xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp với số tiền 130 triệu đồng và 1 điểm tư vấn dinh dưỡng 3 triệu đồng. Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong vòng 2-3 năm trở lại đây, số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã giảm từ 57 xuống còn 27 doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, các chủ thể kinh doanh đa cấp bất chính đã có xu hướng chuyển sang các mô hình hoạt động sử dụng phương thức đa cấp nhưng không mua bán hàng hóa thực sự để né tránh sự quản lý của cơ quan quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Các hình thức lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.
Để người dân không bị mắc lừa kinh doanh đa cấp, Sở Công Thương Hà Nội đã có những khuyến cáo cũng như tuyên truyền trên website của Sở về hoạt động bán hàng đa cấp.
Đồng thời, đưa thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp; danh sách các doanh nghiệp đã thông báo hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; danh sách các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp hay thông báo chấm dứt hoạt động.
Ngoài ra, nhằm siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính cho người dân, người tham gia bán hàng đa cấp. Cùng đó, ưu tiên tuyên truyền trên đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Bộ Công an xử lý nghiêm và tăng cường công khai các hành vi lừa đảo trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, việc lợi dụng kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính nhằm mục đích lừa đảo dưới nhiều hình thức.
Nắm tình hình, thu thập thông tin về phương thức, thủ đoạn, cách thức lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia hoat động kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính để thông tin, tuyên truyền đến người dân.