VARS tiếp tục chọn ngày 21/3 là ngày Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) kêu gọi thế giới trồng rừng để khởi động năm thứ 2 của dự án.
Ông Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc VARS cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 song dự án đã đã đạt kết quả được chính quyền địa phương và nhà nước ghi nhận. Từ đó, công ty tiếp tục đặt mục tiêu trồng ít nhất 100 ha rừng cây bản địa tại huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào trong năm nay. Đồng thời, công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam, Hòa Bình… nhằm đạt mục tiêu trồng 1.000 ha cây rừng bản địa vào năm 2030.
Ngoài trồng rừng, trong khuôn khổ dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng; vận động người dân không chỉ tiếp nhận các hoạt động của dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.
Theo ông Hồng, từ khi chương trình được khởi động ngày 21/3/2021, dự án đã trồng được 80 ha rừng tại các xã: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa, Kim Hóa, Thanh Thạch, Sơn Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, với các cây lâm nghiệp bản địa như: lát hoa, gáo vàng, lim, vàng tâm, sưa đỏ…, đạt tỷ lệ sống 90%.
Cùng với hoạt động trồng rừng, Công ty Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam và Trung tâm CEGORN đã phối hợp với địa phương tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực về kỹ thuật trồng và chăm sóc, bảo tồn rừng cho 246 người dân. Những người dân này sẽ trở thành các nòng cốt chia sẻ lại cho người khác và cộng đồng của họ về vai trò, ý nghĩa của việc phục hồi rừng bằng cây lâm nghiệp bản địa.
Chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành đã cam kết sẽ cùng đồng hành, đảm bảo cho bà con trồng và giữ rừng lâu dài, bền vững theo các quy định của nhà nước.
Ông Ngô Văn Hồng cho biết, để có kết quả trên và tạo đà cho năm tới, VARS đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng và các đơn vị thông qua các hình thức góp quỹ. Tính tới thời điểm 6/1/2022, tổng số tiền quỹ đã nhận được là hơn 2,6 tỷ đồng, với tổng số 1.153 lượt đóng góp; trong đó có 10 doanh nghiệp, tổ chức.
Cùng đó, sự lan tỏa của thông điệp “Người là cây, cây là người” “Góp một cây để có rừng” có sự tham gia của các nghệ sỹ và người dân đã góp phần vào thực hiện mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tự trồng, bảo vệ cây xanh trong công chúng.
Dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh được thực hiện bởi những người sáng lập VARS. Công ty đăng ký hoạt động từ tháng 12/2020, theo hình thức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa.
Mục tiêu chính của dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây rừng bạn địa với nguồn vốn thông qua vận động cộng đồng đóng góp 50.000 đồng/cây lâm nghiệp bản địa.
Ngoài trồng rừng, để đảm bảo sinh kế trước mắt, bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài.
Cũng trong chuỗi hoạt động khởi động dự án, các lực lượng chức năng đã thăm và đánh giá rừng trồng năm thứ nhất tại rừng cộng đồng bản Kè xã Lâm Hóa và xã Hương Hóa huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; trao tặng cây giống lâm nghiệp và thiết bị văn phòng cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Chalo và trồng cây tại đơn vị…