Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.
Báo cáo Biến đổi khí hậu 2022 của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC-AR6) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không được kiểm soát ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, loài người và môi trường tự nhiên có nguy cơ sẽ chịu nhiều tác động không thể đảo ngược. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm.
Trong tháng 5/2022, Tổ chức Khí tượng thế giới vừa mới công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.
Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.
“Đây chính là hệ lụy của mô hình phát triển tuyến tính (khai thác tài nguyên - Sản xuất - Tiêu dùng và cuối cùng Thải loại ra môi trường) thiếu bền vững trong hơn 150 năm qua của nhân loại. Liên hợp quốc cảnh báo, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính, nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Nếu hành động chậm chễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo Trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai”, bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường.
So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. "Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp và người dân là động lực thúc đẩy, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chúng ta có thể tin tưởng rằng có thể sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi", Bộ trưởng khẳng định.
Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và môi trường, cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các tiên tiến trong khu vực. Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Ban hành các tiêu chí về mua sắm công xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.
Cùng với đó, cần có lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilong) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Đặc biệt, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện,…theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn. Truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới tư duy, thiết kế mô hình sản xuất theo hướng: tăng cường sử dụng các sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; tăng cường phục hồi tài nguyên từ trong các sản phẩm đã qua sử dụng, kéo dài tuổi đời của sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, nâng cấp, làm mới và thiết kế lại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nguồn thải và công nghệ sinh học xử lý rác thải; tăng hợp tác trong nghiên cứu, phát triển, kết nối người tiêu dùng thông qua hình thức tiêu dùng chung để nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc sẽ giới thiệu Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để kết nối giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 ở Glasgow và việc giới thiệu định nghĩa về 'nền kinh tế tuần hoàn’ trong Luật Bảo vệ Môi trường (LEP) sửa đổi đều đánh dấu nền tảng trong quá trình chuyển đổi bền vững của Việt Nam. Với những cam kết này, Việt Nam đã trở thành một trong 70 quốc gia cam kết giải quyết một trong những vấn đề cấp bách nhất của thời đại chúng ta.
Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị, để đạt tới một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm, carbon thấp và đạt được mức phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, xanh, carbon thấp.
Cùng với đó, cần thúc đẩy “thành phố tuần hoàn”, với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp, việc di dời đến các thành phố và di chuyển bên trong các thành phố có thể sẽ rất nhanh chóng. Trong 30 năm qua, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng gấp đôi lên % vào năm 2050, 57% người Việt Nam sẽ được đô thị hóa.
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế từ COVID-19 mang lại cơ hội lịch sử để chuyển hướng sang một mô hình phát triển bền vững và bao trùm hơn. Phục hồi xanh từ COVID-19 có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 25% dưới kịch bản thông thường của doanh nghiệp vào năm 2030, tăng khả năng cho kịch bản giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C, phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris.
“Tại UNDP, chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng tầm nhìn xa hơn về sự phục hồi kinh tế xanh, một nền kinh tế tuần hoàn bao trùm và các-bon thấp để thực hiện phát thải ròng bằng không vào năm 2050. UNDP kêu gọi tất cả các đối tác của chúng tôi tham gia cùng nhau và thực hiện sứ mệnh này, nền kinh tế tuần hoàn trung hòa carbon - một trong đó, định hình lại chuỗi giá trị, xem xét lại các mô hình sản xuất và tiêu dùng, đồng thời chú trọng vào giới cho một quá trình chuyển đổi công bằng đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau”, Bà Caitlin Wiesen khẳng định.
Tại Hội nghị, các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ về các mô hình kịnh tế tuần hoàn đã thành công trên thế giới, trong khu vực và từ đó, xác định các mô hình phù hợp có thể áp dụng tại Việt Nam. Tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về khái niệm, cách tiếp cận và các mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.